Hà Tĩnh: Người dân vùng tái định cư mòn mỏi chờ cấp đủ đất sản xuất

Về nơi ở mới đã hơn 10 năm, tuy nhiên người dân ở khu tái định cư Khe Ná, Khe Gỗ (Vũ Quang, Hà Tĩnh) vẫn chờ đợi và không biết đến bao giờ mình mới nhận đủ đất sản xuất như lời hứa ban đầu.
Đại diện lãnh đạo xã Thọ Điền (Vũ Quang) chia sẻ khó khăn do thiếu đất sản xuất cùng người dân. (Nguồn: nhandan.vn)

Sau hơn 10 năm nhường đất thực hiện dự án thủy lợi Ngàn Trươi-Cẩm Trang, các hộ dân ở khu tái định cư Khe Ná, Khe Gỗ, thuộc xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn chưa nhận đủ đất sản xuất như lời hứa của chính quyền. Việc này đã gây ra nhiều khó khăn cho việc ổn định sản xuất, đảm bảo đời sống của người dân nơi đây.

Ông Đặng Khánh Trình, Bí thư Đảng ủy xã Thọ Điền (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) cho biết: Thực hiện dự án tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng trong quá trình thực hiện dự án thủy lợi Ngàn Trươi-Cẩm Trang, năm 2009 Ủy ban Nhân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định thu hồi hơn 1.000 ha đất rừng để cấp cho người dân tái định cư sản xuất, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay vẫn còn 319 ha diện tích đất rừng tự nhiên vẫn chưa được chuyển đổi và tiến hành bàn giao cho các hộ dân.

Mặc dù cấp ủy, chính quyền đã nhiều lần kiến nghị, yêu cầu cấp trên thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tuy nhiên đến nay mọi việc vẫn chưa được giải quyết xong.

Trong tổng số 300 hộ dân nhường đất cho dự án, qua xét duyệt chỉ có 136 hộ đủ điều kiện và có nguyện vọng đến ở tại khu tái định cư Khe Ná, Khe Gỗ (nay thuộc xã Thọ Điền).

Về nơi ở mới đã hơn 10 năm, tuy nhiên người dân nơi đây vẫn chờ đợi và không biết đến bao giờ mình mới nhận đủ đất sản xuất như lời hứa ban đầu.

[Đấu điện phục vụ người dân khu tái định cư dự án sân bay Long Thành]

Ông Nguyễn Tiến Cường, người dân thôn Đăng, xã Thọ Điền bức xúc: "Khi chuyển về tái định cư ở đây gia đình tôi có 4 khẩu, được cấp 1,9ha đất sản xuất. Như vậy, tính theo khẩu, gia đình tôi vẫn thiếu hơn 2ha. Thiếu tư liệu sản xuất nên con trai tôi lập gia đình và phải đi làm ăn xa ở tận Đồng Nai. Gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân ở đây mong muốn các cấp chính quyền sớm thực hiện cấp đủ đất sản xuất như lời hứa ban đầu để chúng tôi ổn định sản xuất."

Theo chia sẻ của nhiều hộ dân tại thôn Đăng, đất rừng tại đây rất phù hợp để trồng các loại cam và keo tràm, nếu thuận lợi sẽ cho thu nhập ổn định, con cái họ sẽ không phải đi làm ăn xa.

Tuy nhiên, vì đất chưa được cấp đủ, hoặc một phần đất được bàn giao nhưng chưa tiến hành chuyển đổi, nếu người dân canh tác trên đó sẽ bị coi là phạm pháp nên rất khó khăn.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thọ Điền Phạm Quang Tùng cho biết: Việc các hộ dân ở khu tái định cư Khe Ná, Khe Gỗ bức xúc vì thiếu đất sản xuất là có cơ sở. Với 1.035 ha đất rừng được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh thu hồi, giao cho người dân, huyện Vũ Quang đã bàn giao hơn 210 ha đất cho người dân làm nhà ở, còn lại 824 ha đất được cấp để người dân làm tư liệu sản xuất.

Năm 2014, Ủy ban Nhân dân xã đã tiến hành bàn giao đất sản xuất đợt một với hơn 500 ha. Đến năm 2017, trong quá trình chuẩn bị bàn giao đất đợt hai cho người dân, xã mới biết được diện tích đất còn lại chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng nên địa phương không đủ cơ sở, thẩm quyền bàn giao đất cho người dân mặc dù xã đã nhận bàn giao và cắm mốc thực địa. Từ đó đến nay, tồn đọng này vẫn chưa được giải quyết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ chậm trễ trong việc chuyển đổi, bàn giao 319 ha đất sản xuất cho người dân sản xuất, trong tổng số 500 ha đất đã được bàn giao cho người dân sản xuất thì có đến 270 ha đất rừng vẫn chưa được chuyển đổi. Như vậy, trong nhiều năm qua, vô tình người dân đã sản xuất trái phép trên đất rừng tự nhiên.

Bên cạnh những tồn tại trên, theo người dân và chính quyền địa phương xã Thọ Điền (huyện Vũ Quang): Đối chiếu với quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện, các hộ dân ở khu tái định cư Khe Na, Khe Gỗ sẽ được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất sau tái định cư như: Hỗ trợ chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ bảo vệ rừng, phát triển rừng và sản xuất nông lâm kết hợp; hỗ trợ chuyển đổi nghề... Tuy nhiên đến nay, người dân nơi đây vẫn chưa được thụ hưởng chính sách hỗ trợ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục