Hà Tĩnh: Những người mẹ hết lòng vì trẻ em khuyết tật, tự kỷ

Với lòng kiên trì, nhẫn nại và tình yêu thương, những cô giáo ở Làng Trẻ em Mồ côi Hà Tĩnh được coi là những người mẹ “đặc biệt” của các em nhỏ bị khuyết tật, tự kỷ, chậm phát triển.

Các cô giáo tại Làng Trẻ em Mồ côi Hà Tĩnh chăm sóc trẻ trong giờ ăn trưa. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)
Các cô giáo tại Làng Trẻ em Mồ côi Hà Tĩnh chăm sóc trẻ trong giờ ăn trưa. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Tại Làng Trẻ em Mồ côi tỉnh Hà Tĩnh có một lớp học dành cho những em nhỏ bị khuyết tật, tự kỷ, chậm phát triển. Để có thể giảng dạy và duy trì lớp học, những giáo viên ở đây luôn phải nỗ lực, cố gắng gấp nhiều lần so với các ngôi trường khác.

Họ được biết đến là những giáo viên “đặc biệt” đang hằng ngày thầm lặng góp sức để nuôi dạy những trẻ nhỏ có hoàn cảnh éo le.

Muôn vàn khó khăn khi đứng lớp

Ở Làng Trẻ em Mồ côi Hà Tĩnh hiện có 40 học sinh “đặc biệt,” trong đó 20 em thuộc đối tượng nuôi dưỡng của làng và 20 em được phụ huynh ở bên ngoài gửi vào.

Để giúp các em học tập, rèn luyện, giáo viên ở đây đã tổ chức thành 3 nhóm lớp học chuyên biệt gồm: Nhóm can thiệp cá nhân dành cho học sinh tự kỷ, rối loạn hành vi; phục hồi chức năng cho học sinh khuyết tật về vận động; hòa nhập dành cho tất cả học sinh.

Tại phòng phục hồi chức năng, việc hướng dẫn các em khuyết tật về vận động tập luyện diễn ra hết sức vất vả. Các em không chỉ bị khuyết tật về hình thể mà còn chậm phát triển, khiếm thị, khiếm thính nên rất khó để tiếp thu, nghe lời giáo viên. Hiện có 10 em đang được các cô hướng dẫn thực hiện các bài tập về vật lý trị liệu, tập đi, tập cầm nắm.

Chia sẻ về những khó khăn khi quản lý, dạy dỗ các em, cô Đặng Thị Mỹ (giáo viên phụ trách lớp) cho hay, nhiều trẻ bị khuyết tật không thể tự phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày như ăn uống, tắm giặt, thay quần áo..., vì thế các cô phải hỗ trợ và làm hết cho các em. Một số bạn trong quá trình ăn uống không nhai mà nuốt chửng thức ăn, các cô phải chuẩn bị cháo, miến, thức ăn lỏng cho các bạn.

“Quá trình tập luyện, một số bạn có thể lên cơn động kinh hoặc không kiểm soát được hành vi bản thân nên cào cấu cô hoặc các bạn trong lớp. Một số bạn khác có thể khóc sướt mướt, phản kháng, không hợp tác. Do đó, cô sẽ có những phương pháp như xoa dịu, không ép tập, có hoạt động vui chơi để xoa dịu cơn nóng giận của các bạn,” cô Mỹ chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Cẩm Ly, phụ trách nhóm lớp hòa nhập, dù được đào tạo về ngành giáo dục chuyên biệt nhưng quá trình giảng dạy thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều học sinh tuy đã lớn tuổi nhưng trình độ nhận thức mới như trẻ lên 3, lên 4.

TTXVN_1811Hatinh2.jpg
Giờ học của học sinh tại Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Cô Cẩm Ly cho hay làm việc ở đây đòi hỏi các cô phải tận tâm, tận tụy, trách nhiệm và dành tình yêu thương cho trẻ; đồng thời có kế hoạch đánh giá mức độ khuyết tật của trẻ. Từ đó, xây dựng lịch tập, kế hoạch giảng dạy cho từng em.

Ví dụ như với trẻ bình thường, một con số, một con chữ có thể học trong một ngày nhưng với những trẻ đặc biệt, chậm phát triển trí tuệ, thiểu năng trí tuệ, các em phải mất cả tháng, thậm chí có thể nửa năm hoặc cả năm mới nhớ bài.

“Quá trình chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn bởi mỗi trẻ vào làng có nhiều mức độ khuyết tật và dạng khuyết tật khác nhau. Do vậy, đòi hỏi các cô phải kiên trì, nhẫn nại và dành tình yêu thương thực sự với trẻ,” cô Cẩm Ly bộc bạch.

Tiến bộ của trẻ là động lực cho cô giáo

Năm nay hơn 10 tuổi, nhưng em Trần Thị Thái An đã có 6 năm gắn bó với lớp học đặc biệt tại Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh. Em là một trong nhiều trường hợp được bố mẹ gửi vào đây để rèn luyện.

TTXVN_1811Hatinh3.jpg
Thành quả của các em học sinh sau khi được các cô giáo hướng dẫn tô màu. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Chia sẻ về tình trạng của con, chị Trương Thị Thúy (mẹ của em Trần Thị Thái An) cho hay, con gái chị bị khuyết tật bẩm sinh về mắt nên không nhìn thấy. Do đó, cháu bị trầm cảm, hay hoảng loạn, chưa kiểm soát được bản thân mình. Cháu cũng chưa tự phục vụ được cho bản thân.

“Gia đình tôi gửi con vào đây từ 5 tuổi. Thời điểm đó, con tôi còn nằm trên võng, các cô phải bón từng thìa cháo cho con. Từ chỗ không thể vận động, phải nằm một chỗ, đến bây giờ, cháu đã có thể tự ngồi, bắt đầu chập chững biết đi và biết nói. Cháu cũng đã bắt đầu biết cầm sữa, cầm nước uống và chịu tiếp xúc với người xung quanh. Trong quá trình ở đây, cháu đã nhận được sự quan tâm chăm sóc của các cô, các mẹ. Gia đình tôi rất may mắn khi tìm được chỗ gửi cháu để luyện tập hàng ngày. Nhờ vậy, bố mẹ cũng an tâm để đi làm,” chị Trương Thị Thúy cho biết thêm.

Sự tiến bộ của các con dù nhỏ nhoi, nhưng đó luôn là động lực để các cô giáo tiếp tục cố gắng trong công việc. Với các cô, dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng không vì thế mà nản lòng, bỏ cuộc.

“Sự tiến bộ của trẻ hàng ngày là động lực giúp các cô giáo ở Làng Trẻ em Mồ côi nỗ lực hơn nữa để dành những gì tốt nhất cho các con. Dù phải mất hàng tháng trời, thậm chí hàng năm trẻ mới tiến bộ, nhưng đó là điều tiếp thêm sức mạnh tinh thần để các cô bước tiếp trên con đường đã chọn. Với hy vọng những hoàn cảnh, những số phận éo le sau này không phải là gánh nặng của gia đình, xã hội mà các em có thể phục vụ được bản thân, hòa nhập với cuộc sống cộng đồng,” cô Nguyễn Thị Cẩm Ly bày tỏ.

Làng Trẻ em Mồ côi Hà Tĩnh hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 110 em. Đơn vị kêu gọi các cơ sở, tổ chức, cá nhân ở ngoài xã hội, các nhà hảo tâm giúp đỡ, tài trợ để có thêm trang thiết bị phục hồi chức năng cho trẻ bị khuyết tật.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Làng Trẻ em Mồ côi Hà Tĩnh thông tin, đơn vị thường xuyên cử các cán bộ đi học thêm các lớp nghiệp vụ để chăm sóc, hướng dẫn trẻ được tốt hơn; đồng thời, tạo mọi điều kiện, quan tâm, hỗ trợ chế độ tiền lương, tiền công để các cô yên tâm công tác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục