Hạ viện Anh nhất trí cao với thỏa thuận thương mại hậu Brexit

Với 521 phiếu thuận và 73 phiếu chống, Hạ viện Anh đã nhất trí thông qua “Hiệp định Thương mại và Hợp tác” với EU tại một phiên họp khẩn cấp chiều 30/12.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại London, chiều 30/12, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thông qua thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Liên minh châu Âu (EU) tại một phiên họp khẩn cấp trong kỳ nghỉ Giáng sinh và ngay trước thềm Năm Mới 2021.

Với 521 phiếu thuận và 73 phiếu chống, Hạ viện Anh đã nhất trí thông qua “Hiệp định Thương mại và Hợp tác” với EU. Thỏa thuận được thông qua chỉ trước một ngày khi thời hạn chuyển tiếp giữa London và Brussels kết thúc, đưa nước Anh chính thức rời khỏi Khối thị trường chung và Liên minh thuế quan EU từ ngày 1/1/2021. Với thỏa thuận này, Anh sẽ tiếp tục xuất khẩu hàng hóa sang EU mà không bị áp thuế và hạn ngạch.

Phát biểu mở đầu phiên tranh luận tại Hạ viện, Thủ tướng Boris Johnson nêu rõ: “Mục đích chính của dự luật này là hoàn thành mong muốn mà người dân Anh luôn biết trong tim là có thể thực hiện được”. Theo ông Johnson, nước Anh có thể “giao thương và hợp tác” với các quốc gia châu Âu khác, trong khi vẫn giữ được “quyền kiểm soát có chủ quyền đối với luật pháp và vận mệnh của chúng ta”.

[Thủ tướng Anh hối thúc các nghị sỹ ủng hộ thỏa thuận với EU]

Theo Thủ tướng Anh, Thỏa thuận Brexit giúp Anh thoát khỏi những ràng buộc về cạnh tranh của EU và luật viện trợ của nhà nước, có nghĩa là London có thể lựa chọn đầu tư và thúc đẩy các ngành nghề ở mọi nơi. Thỏa thuận cũng cho phép Anh kiểm soát vùng biển đánh cá, chính sách nhập cư và xây dựng luật pháp, đồng thời tạo lập “sự chắc chắn” cho các hãng hàng không và hãng vận tải chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Boris Johnson nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ mở ra một chương mới trong câu chuyện quốc gia của mình” và “giờ đây, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm tận dụng tốt nhất những sức mạnh mà chúng ta đã lấy lại được”.

Thủ tướng Boris Johnson đã giành được sự ủng hộ chính trị quan trọng từ một nhóm những người ủng hộ Brexit cứng rắn nổi bật trong Đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, Đảng Quốc gia Scotland đã phản đối “Hiệp định Thương mại và Hợp tác” với EU, cho rằng thỏa thuận này sẽ gây hại cho ngành đánh bắt cá của Scotland.

Sau khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Hạ viện Anh, thỏa thuận sẽ tiếp tục được Thượng viện nước này xem xét và bỏ phiếu thông qua để chính thức trở thành luật. Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Thủ tướng Boris Johnson đã ký chính thức vào bản thỏa thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục