Thủ tướng Anh hối thúc các nghị sỹ ủng hộ thỏa thuận với EU

Phát biểu ngày 30/12, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định Brexit không phải là một sự kết thúc, mà là một sự bắt đầu.
Thủ tướng Anh hối thúc các nghị sỹ ủng hộ thỏa thuận với EU ảnh 1Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi quốc hội nước này bỏ phiếu thông qua thỏa thuận hậu Brexit với Liên minh châu Âu (EU), đồng thời mở ra một mối quan hệ mới với tư cách là "nước láng giềng thân thiện" với Brussels.

Phát biểu ngày 30/12, Thủ tướng Johnson khẳng định Brexit không phải là một sự kết thúc, mà là một sự bắt đầu.

Ông bày tỏ hy vọng đặt dấu chấm hết "cho mối quan hệ chính trị cũ kỹ, đầy mệt mỏi và nhiều tranh cãi của Anh với châu Âu" và thay vào đó là "trở thành người bạn và đồng minh tốt nhất mà EU có thể có được."

[Anh và EU chính thức ký "Hiệp định thương mại và hợp tác" hậu Brexit]

Nhà lãnh đạo Anh nhấn mạnh trách nhiệm hiện giờ thuộc về các nghị sỹ.

Thủ tướng Anh đưa ra lời kêu gọi trên trong bối cảnh Hạ viện nước này dự kiến sẽ bỏ phiếu đối với thỏa thuận hậu Brexit giữa Anh và EU trong cuộc họp ngày 30/12.

Theo truyền thông Anh, văn kiện này sẽ dễ dàng được thông qua do nhận được sự ủng hộ của cả đảng Bảo thủ và Công đảng - hai đảng chính ở nước này.

Thượng viện Anh dự kiến sẽ bỏ phiếu sau đó và thỏa thuận có thể trở thành luật từ 0 giờ ngày 31/12.

Trước đó cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ký chính thức "Hiệp định Thương mại và Hợp tác"- một thỏa thuận hậu Brexit mà hai bên đạt được đúng vào ngày Giáng sinh ngày 24/12 vừa qua.

Văn bản này sẽ phải được Nghị viện châu Âu (EP) phê duyệt sau đó, thời gian dự kiến có thể là vào tháng Hai hoặc tháng Ba năm sau.

Việc kết thúc đàm phán rất muộn, chỉ vài ngày trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp Brexit, đã khiến EP không thể kịp bỏ phiếu phê chuẩn trước khi năm 2021 bắt đầu.

Vào nửa đêm 31/12 theo giờ Brussels (Bỉ) - Vương quốc Anh sẽ hoàn toàn tách ra khỏi EU, sau giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng kể từ khi Thỏa thuận rút lui có hiệu lực pháp lý và hơn 4 năm sau khi cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý gây chia rẽ đất nước, kèm theo đó là các cuộc đàm phán vô cùng khó khăn.

Hiệp định thương mại đã ngăn chặn viễn cảnh về một sự chia cắt hai bên, vốn có thể chứng kiến sự áp đặt hạn ngạch và thuế quan lên tất cả thương mại giữa hai bờ eo biển Manche, làm trầm trọng thêm các tác động do đại dịch COVID-19 gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.