Hạ viện Anh thông qua dự án mở rộng sân bay Heathrow gây tranh cãi

Sau nhiều thập niên tranh luận gay gắt về tác động tới môi trường và đời sống người dân, phần lớn các hạ nghị sỹ Anh nhất trí với dự án xây đường băng thứ ba, mở rộng sân bay Heathrow.
Hạ viện Anh thông qua dự án mở rộng sân bay Heathrow gây tranh cãi ảnh 1Toàn cảnh một phiên họp Hạ viện Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau nhiều thập niên tranh luận gay gắt về tác động tới môi trường và đời sống người dân, phần lớn các hạ nghị sỹ Anh đã nhất trí với dự án xây dựng đường băng thứ ba, mở rộng sân bay Heathrow ở thủ đô London, sân bay tấp nập nhất châu Âu.

Với 415 phiếu thuận và 119 chống, Hạ viện Anh tối 25/6 đã thông qua đề xuất nhận được sự chấp thuận của Chính phủ Thủ tướng Theresa May hồi đầu tháng này, vượt qua sự phản đối kịch liệt của các nghị sỹ đại diện cho các cử tri London, nơi mà người dân lo ngại gia tăng nguy cơ ô nhiễm tiếng ồn và không khí sau khi sân bay mở rộng.

Là người đi đầu ủng hộ dự án, Bộ trưởng Giao thông, đồng thời là Chủ tịch Hạ viện Anh, ông Chris Grayling nhấn mạnh đây là một quyết định lớn nhất trong ngành giao thông.

Theo ông, dự án này không đi ngược lại các cam kết của Anh trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đồng thời vẫn đảm bảo duy trì một lệnh cấm các chuyến bay vào ban đêm.

Trong khi đó, chi phí để triển khai dự án sẽ được trích từ các nguồn lực tư nhân.

[Thủ tướng Anh vượt qua cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Quốc hội]

Ngoài ra, Chính phủ Anh cũng sẽ làm việc với cơ quan điều hành sân bay Heathrow để đảm bảo các hãng hàng không không phải gánh thêm những chi phí này.

Chính phủ Anh lập luận dự án đường băng thứ ba tại sân bay Heathrow trị giá 14 tỷ bảng (khoảng 18.5 tỷ USD) sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế Anh sau khi nước này rời Liên minh châu Âu (EU) và có thể tạo khoảng 114.000 việc làm vào năm 2030.

Dự kiến, công trình sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2021, cho dù còn phải đối mặt với nhiều rào cản pháp lý.

Tuy nhiên, ngay sau cuộc bỏ phiếu, tổ chức môi trường Hòa bình Xanh (Greenpeace) tại Anh tuyên bố sẵn sàng đưa vấn đề ra tòa án cùng các ý kiến phản đối trong Hội đồng thành phố London và Thị trưởng Sadiq Khan.

Trước đó, khoảng 12 người không ủng hộ dự án này đã tập trung ở hành lang trung tâm của Hạ viện Anh để phản đối cuộc bỏ phiếu trên, buộc cảnh sát phải phong tỏa khu vực này.

Về phần mình, tập đoàn IAG - sở hữu hãng Britist Airways - bày tỏ lo ngại về nguy cơ chi phí bến đỗ sẽ tăng cao hơn nữa khi Heathrow hiện đã là sân bay đắt đỏ nhất thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.