Ngày 23/3, phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ công bố một gói cứu trợ trị giá 2.500 tỷ USD nhằm giúp nước Mỹ đối phó với tình trạng kinh tế khó khăn do tác động của dịch COVID-19.
Theo đó, gói cứu trợ này lớn hơn gần 40% so với dự luật 1.800 tỷ USD từng được thúc đẩy tại Thượng viện.
Dự luật của Hạ viện Mỹ không chỉ xóa bỏ các hạn chế đối với người nghỉ ốm và nghỉ phép có trong gói cứu trợ nhằm đối phó với dịch bệnh trước đó đã được ký thành luật, đồng thời mở rộng bảo hiểm thất nghiệp và các điều kiện nghiêm ngặt cho các công ty nhận tiền cứu trợ từ chính phủ liên bang.
Trong gói cứu trợ này, dự kiến có khoản hỗ trợ bằng tiền mặt 40 tỷ USD cấp cho các hãng hàng không và nhà thầu đang gặp khó khăn của Mỹ, không cần hoàn trả, nhưng yêu cầu nhiều điều kiện liên quan đến lao động, môi trường và các vấn đề khác.
Gói hỗ trợ 40 tỷ USD nói trên sẽ bao gồm khoản trợ cấp trị giá 37 tỷ USD cho các hãng hàng không và 3 tỷ USD cho nhân viên của các nhà thầu cung cấp dịch vụ hỗ trợ mặt đất. Các hãng hàng không còn có thể nhận được khoản cho vay 21 tỷ USD với lãi suất 0% trong năm đầu tiên.
Đề xuất của Hạ viện còn dành 1 tỷ USD để loại bỏ các máy bay gây ô nhiễm nặng. Các hãng hàng không nhận trợ cấp phải giảm 50% lượng khí thải carbon từ nay đến năm 2050.
Đề xuất cũng yêu cầu giới hạn tiền lương cho lãnh đạo ở mức không quá 50 lần mức lương trung bình của nhân viên và cấm hoạt động mua lại cổ phiếu. Trong số các điều kiện được đưa ra còn có yêu cầu các hãng hàng không không được thuê các cơ sở sửa chữa ở nước ngoài tiến hành hoạt động bảo dưỡng máy bay và phải có một giám đốc do công đoàn chỉ định. Ngoài ra, các hãng hàng không còn phải duy trì mức lương tối thiểu ít nhất là 15 USD cho tất cả các nhân viên.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã tuyên bố rằng Hạ viện có thể chấp nhận phiên bản cứu trợ của Thượng viện nếu đạt được thỏa thuận lưỡng đảng, song cảnh báo có thể chuyển lại cấp ủy ban để bỏ phiếu trong trường hợp bế tắc.
[Thượng viện Mỹ không thông qua dự luật cứu trợ khẩn cấp thứ ba]
Cũng trong ngày 23/3, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Charles Schumer nói rằng các cuộc đàm phán với Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin đang được triển khai tích cực, và ông hy vọng sẽ sớm đạt được một thỏa thuận trong ngày 24/3 (theo giờ Mỹ).
Phe Dân chủ hai lần ngăn dự luật trên tại Thượng viện vì cho rằng chưa đủ khó khăn để các tập đoàn lớn được nhận tiền cứu trợ, trong khi lại thiếu tiền để hỗ trợ các hoạt động chăm sóc sức khỏe do dịch COVID-19 gây ra. Trong khi đó, phe Cộng hòa chỉ trích phe Dân chủ về việc cản trợ dự luật khi cho rằng các yêu cầu của họ bao gồm các điều khoản gắn liền với vấn đề biến đổi khí hậu và các vấn đề khác không nên là một phần của cuộc tranh luận hiện nay.
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm hơn vào ngày 23/3, gây áp lực cho cả hai đảng trong việc tiến tới thỏa thuận. Các nhà kinh tế đã kêu gọi Chính phủ Mỹ tăng chi ngân sách nhằm đối phó với đại dịch, trong khi một số chuyên gia dự báo về một sự gia tăng lớn tỷ lệ thất nghiệp và sự thu hẹp kinh tế lớn trong quý 2/2020. Các thị trường đã mất hơn một phần ba giá trị kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 2/2020.
Gói cứu trợ 2.500 tỷ USD sẽ khiến chi tiêu hàng năm của Chính phủ Mỹ tăng thêm 50%. Các chuyên gia lập luận rằng việc tăng chi tiêu là rất quan trọng để chống lại suy thoái kinh tế./.