Hạ viện Nhật Bản thông qua hiệp ước hợp tác hạt nhân với Ấn Độ

Hạ viện Nhật Bản đã thông qua thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự giữa nước này với Ấn Độ, mở đường cho Tokyo xuất khẩu thiết bị và công nghệ điện hạt nhân vì các mục đích hòa bình cho Ấn Độ.
Hạ viện Nhật Bản thông qua hiệp ước hợp tác hạt nhân với Ấn Độ ảnh 1Một phiên họp của Hạ viện Nhật Bản tại Tokyo. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Ngày 16/5, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự giữa nước này với Ấn Độ, mở đường cho Tokyo xuất khẩu thiết bị và công nghệ điện hạt nhân vì các mục đích hòa bình cho Ấn Độ - quốc gia không ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Trong bối cảnh Hạ viện được trao thẩm quyền xem xét và xử lý các hiệp định theo quy định của Hiến pháp, thỏa thuận trên dự kiến sẽ nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội bất chấp những lo ngại của phe đối lập về khả năng Ấn Độ có thể tận dụng công nghệ hạt nhân cho mục đích quân sự.

Hiệp ước hợp tác hạt nhân dân sự trên được ký hồi tháng 11 năm ngoái giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narenda Modi tại Tokyo. Theo hiệp ước này, nhiên liệu và công nghệ hạt nhân cung cấp cho Ấn Độ chỉ có thể được sử dụng vì mục đích hòa bình và cấm New Delhi sử dụng những sản phẩm trên để phục vụ cho việc phát triển các thiết bị nổ nguyên tử.


[Mối đe dọa IS "phủ bóng" Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân]

Hiệp ước cũng yêu cầu Ấn Độ chấp nhận sự thanh sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Ngoài ra, một văn kiện riêng khác cũng được ký cùng với thỏa thuận trên có một điều khoản quy định Nhật Bản được phép hủy bỏ hiệp ước nếu New Delhi tiến hành một vụ thử hạt nhân.

Đảng Dân chủ đối lập tại Nhật Bản đã phản đối hiệp ước trên, cho rằng văn kiện này vẫn thiếu sự bảo đảm pháp lý khi không bao gồm điều khoản Tokyo sẽ hủy bỏ hiệu ước này nếu New Delhi sử dụng công nghệ hạt nhân cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản lại cho rằng hiệp ước này vẫn đảm bảo điều khoản trên, dù không nêu rõ Tokyo sẽ chấm dứt thỏa thuận nếu New Delhi thực hiện một vụ thử hạt nhân.

Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã nhấn mạnh sự hợp tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ dựa trên tuyên bố của Chính phủ Ấn Độ hồi năm 2008, theo đó khẳng định chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước. Tuy nhiên, quan chức này khẳng định nước này sẽ chấm dứt hiệp ước hợp tác hạt nhân dân sự với Ấn Độ nếu New Delhi thay đổi chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ấn Độ từng tiến hành các vụ thử hạt nhận hồi năm 1974 và 1998. Đây cũng là nước sở hữu vũ khí hạt nhân mà không ký kết NPT, hiệp ước nhằm ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân. Ước tính, Ấn Độ hiện sở hữu tới 120 đầu đạn hạt nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.