Hungary bác thông tin EU phủ quyết dự án hợp tác hạt nhân với Nga

Quan chức Hungary khẳng định EU không ngăn cản việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Paks II và thỏa thuận hợp tác này cũng không vi phạm các quy định của EU.
Hungary bác thông tin EU phủ quyết dự án hợp tác hạt nhân với Nga ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Hungary Viktor Orban. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 12/3, Hungary đã bác bỏ thông tin trên tờ Thời báo Tài chính (The Financial Times) của Anh cho rằng Liên minh châu Âu (EU) đã phủ quyết dự án hợp tác hạt nhân của nước này với Nga, động thái có thể khiến mối quan hệ giữa Nga và EU càng thêm căng thẳng.

Trong một tuyên bố gửi hãng thông tấn nhà nước Hungary MTI, Quốc vụ khanh về thông tin Andras-Giro-Szasz phủ nhận thông tin cho rằng Cơ quan Hạt nhân của EU (Euratom) đã phản đối kế hoạch của Hungary nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân từ Nga để mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks, cách thủ đô Budaspet 75 km về phía Nam. Ông này khẳng định EU không ngăn cản việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Paks II và thỏa thuận hợp tác này cũng không vi phạm các quy định của EU.

Ông Giro-Szasz yêu cầu tờ Thời báo Tài chính của Anh nhanh chóng đính chính thông tin sai lệch trên.

Quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Hungary và Nga đang khiến EU quan ngại trong bối cảnh quan hệ giữa EU và Nga đang căng thẳng liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Dù là thành viên của EU, nhưng chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban đã nhiều lần lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt của EU chống lại Nga.

Tháng 1/2014, Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một thỏa thuận cho phép Tập đoàn năng lượng nguyên tử Nga Rosatom xây mới hai lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Paks của Hungary, ước tính sẽ đi vào hoạt động từ năm 2018.

Vào cuối tháng 6 năm ngoái, Quốc hội Hungary đã thông qua khoản vay trị giá 10 tỷ euro (13,7 tỷ USD) từ Nga để nâng cấp nhà máy điện hạt nhân Paks, chiếm khoảng 80% tổng chi phí dự án. Dự kiến, sau khi được nâng cấp, nhà máy điện hạt nhân Paks - hiện cung cấp 40% tổng lượng điện tiêu thụ tại Hungary, sẽ tăng năng suất từ 2.000 MW lên 4.400 MW./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.