Hai đội người nhái lặn khảo sát hiện trạng tàu chìm tại Mũi Né

Tàu vận tải Bạch Đằng có trọng tải 2.500 tấn, chở 1.500 tấn tro than từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) đi Cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai), bị chìm ở vùng biển Mũi Né.
Hai đội người nhái lặn khảo sát hiện trạng tàu chìm tại Mũi Né ảnh 1Khu vực tàu vận tải Bạch Đằng bị chìm trong vùng biển Mũi Né. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Chiều 17/3, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, chủ tàu Bạch Đằng SG-8981 cùng đơn vị trục vớt, các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát nơi tàu Bạch Đằng chìm và đang mắc cạn để lên phương án trục vớt.

Đại diện chủ tàu Bạch Đằng SG-8981 cho biết chậm nhất trong ngày 18/3 sẽ trình phương án trục vớt. Hiện nay, có hai đơn vị trục vớt khảo sát và đưa ra hai phương án để lựa chọn.

Các cơ quan đang tìm phương án tối ưu, vừa trục vớt tàu an toàn vừa không gây ô nhiễm cho vùng biển Mũi Né. Hai đơn vị trục vớt đều cử người nhái lặn khảo sát để đánh giá toàn diện hiện trạng của tàu lẫn hiện trạng các bồn hàng chứa tro bay và hầm chứa khoảng 2.200 lít dầu DO.

Đến chiều 17/3, theo kết quả khảo sát của Công ty Cổ phần trục vớt cứu hộ Việt Nam (VISAL), tàu Bạch Đằng chìm ở bãi ngang Mũi Né, cách bờ 300m. Tàu bị chìm úp nghiêng phía mạn trái, một phần đáy tàu từ mũi về giữa con tàu còn nổi trên mặt nước và nằm nghiêng so với mặt nước biển khoảng 15 độ. Mũi tàu hướng về phía Tây.

Độ sâu đáy biển vị trí tàu chìm khoảng 7m; phần cabin mũi, nóc cabin nổi cách đáy biển khoảng 1,5m. Các bồn hàng khu vực hầm hàng số 1 còn nguyên vẹn trong trạng thái bình thường; các bồn hàng khu vực hầm hàng số 2 phía sau nằm sát mặt đáy biển; đỉnh bồn hàng 9P, 10P bị móp méo.

Phần sau lái, cabin lún ngập hoàn toàn xuống cát; hai cụm bánh lái và hai cụm chân vịt còn nguyên vẹn. Các hầm dầu đã khóa kín van và bịt kín các đầu ống thông hơi; các nắp két hầm phao hông còn nguyên vẹn…

Trước đó ngày 16/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận có công văn hỏa tốc yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, Ủy ban Nhân dân thành phố Phan Thiết và các sở ngành liên quan chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng các biện pháp ứng phó sự cố tràn dầu theo phương châm “4 tại chỗ," đảm bảo giải quyết hiệu quả sự cố, phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong khu vực.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận đề nghị, hướng dẫn chủ tàu khẩn trương xây dựng phương án trục vớt và nhanh chóng tiến hành trục vớt tàu bị nạn theo quy định.

Như thông tin đã đưa, tàu vận tải Bạch Đằng có trọng tải 2.500 tấn, trên tàu có 7 thuyền viên. Tàu chở 1.500 tấn tro than từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) đi Cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Đến khoảng 18 giờ 30 phút ngày 14/3, tàu đang hành trình qua vùng biển Mũi Né, cách bờ khoảng 0,5 hải lý đã bất ngờ bị lật ngang và chìm.

[Bộ TN-MT thông tin về sự cố tàu Bạch Đằng bị nạn trên biển Mũi Né]

Đồn Biên phòng Mũi Né sử dụng phương tiện cứu được toàn bộ 7 thuyền viên trên tàu Bạch Đằng và đưa vào bờ an toàn.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã làm việc với các thuyền viên và xác định trước thời điểm tàu chuẩn bị chìm, các van dầu máy trên tàu đã được khóa lại. Số lượng dầu trên tàu thực tế còn khoảng 2.000 lít dầu DO. Nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu từ các két chứa dầu là rất ít.

Nguyên nhân tai nạn được xác định là do nước tràn vào, làm tàu lật úp, trôi vào cách bờ 300m (khu vực biển bãi Sau, Mũi Né, thành phố Phan Thiết).

Hàng hóa gồm có 1.500 tấn tro bay (bụi xỉ than), được chứa vào thùng chuyên dùng, đảm bảo độ kín tuyệt đối, không có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường biển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục