Hải Dương: Làng nghề Phù Liễn nhộn nhịp dịp Tết Nguyên đán 2024

Những năm gần đây, làng nghề trồng hoa, cây cảnh Phù Liễn, xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, trở thành địa điểm mà mỗi người yêu hoa đều tìm đến vào dịp Tết, đặc biệt dòng đào ghép từ gốc đào rừng.
Người dân làng nghề Phù Liễn chăm sóc đào. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Cách trung tâm thành phố Hải Dương chỉ khoảng 5km, làng nghề trồng hoa, cây cảnh Phù Liễn, xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, những năm gần đây trở thành địa điểm mà mỗi người yêu hoa đều tìm đến vào dịp Tết, Xuân về.

Nơi đây không chỉ có hoa đào với vẻ đẹp đặc trưng, mà còn có nhiều loại hoa khác cho người tiêu dùng lựa chọn. Đặc biệt, dòng đào ghép từ gốc đào rừng đang thịnh hành và tiêu thụ thuận lợi.

Đào ghép từ gốc đào rừng đắt khách

Càng gần Tết, không khí tại làng nghề hoa cây cảnh càng nhộn nhip. Con đường làng dẫn ra cánh đồng trồng đào tấp nập khách mua. Xe tải, xe máy nối đuôi nhau xếp dọc con đường sát với ruộng đào. Bên cạnh khách mua, dịp cuối tuần, làng hoa còn đón một lượng lớn du khách tới tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về nghề trồng hoa và cây cảnh nơi đây.

Các chủ vườn phấn khởi chia sẻ mấy năm gần đây, đường sá mở rộng, giao thông thuận tiện nên việc tiêu thụ thuận lợi. Xe tải vào tận cánh đồng trồng đào. Nông dân chỉ cần đánh gốc và vận chuyển lên xe.

Một chủ vườn cho biết từ đầu tháng Chạp đã có khách buôn các tỉnh lân cận bắt đầu cho xe đến vườn chở đào đi các tỉnh như Quảng Ninh, Thanh Hóa để tiêu thụ. Do thổ nhưỡng phù hợp, bàn tay khéo léo của người dân nơi đây nên hoa đào Phù Liễn có đặc điểm bông to, cánh dày, hoa thắm và bền hoa. Mức giá đa dạng cho người mua lựa chọn, từ đào cành, đào liền thân truyền thống và đào ghép.

Người dân tìm đến làng nghề Phù Liễn chọn hoa. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Những năm gần đây, bắt kịp thị hiếu của người tiêu dùng, nông dân Phù Liễn đã học hỏi nâng cao tay nghề trồng đào và sản phẩm đào ghép cành trên thân và gốc đào rừng ngày càng đẹp, được người dân ưa chuộng và dễ tiêu thụ.

Gia đình ông Nguyễn Hồng Chiến có 7 sào trồng hơn 500 gốc đào rừng ghép. Với kinh nghiệm 30 năm trồng đào, ông Chiến cho biết năm Quý Mão nhuận 2 tháng Hai Âm lịch, cùng với đó, thời tiết những tháng cuối năm ít rét không thuận cho cây đào phát triển nên đòi hỏi nông dân phải tay nghề giỏi mới có thể cho đào nở đúng độ đẹp vào dịp Tết.

Trong khi các vườn khác khách mua lác đác thì vườn đào ghép của ông Chiến đến nay đã tiêu thụ được khoảng 80%, vừa cho thuê vừa bán. Theo ông Chiến, gia đình ông 10 năm nay đã chuyên tâm theo hướng trồng đào ghép từ gốc đào rừng. Những cây đào ghép có gốc cổ kính, xù xì của gốc đào rừng và sai nụ, sai hoa, bông thắm nên hầu như năm nào cũng cháy hàng trước so với dòng đào liền thân, đào cành.

Hiện tại, vườn nhà ông Chiến đã tiêu thụ được hơn 400 gốc đào ghép trong tổng số hơn 500 gốc. Mặc dù so lượng khách mua buôn không bằng cùng thời điểm năm trước, giá bán giảm khoảng 30% nhưng ông Chiến cũng cảm thấy hài lòng trong bối cảnh chung Tết năm nay do kinh tế khó khăn, sức mua các mặt hàng đều không cao. Những cây đào to đẹp ở vườn ông Chiến có giá tầm trên 10 triệu đồng/gốc, gốc nhỏ hơn tầm 2 triệu đồng/gốc. Ông Chiến dự kiến doanh thu vụ đào Tết năm nay của gia đình đạt khoảng 400 triệu đồng.

Trưởng thôn Phù Liễn Đặng Xuân Tuyên cho biết trước kia người dân Phù Liễn bắt đầu trồng đào truyền thống nhưng mấy năm gần đây bằng sự chịu khó cần cù học hỏi sáng tạo, tay nghề của các hộ nông dân càng ngày càng nâng cao. Sau những người đi tiên phong như ông Nguyễn Đình Chiến, đến nay gần như toàn bộ các hộ trồng đào ở Phù Liễn đều đã trồng được đào ghép cung cấp ra thị trường.

Giữ gìn, phát huy nghề truyền thống

Ông Đặng Xuân Tuyên nhớ lại nghề trồng hoa Phù Liễn bắt đầu khởi nguồn từ những năm 1997-1998. Nhận thấy canh tác cây lúa bấp bênh, thu nhập thấp, một số người đã tìm hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp. Người dân vào tận xứ sở hoa Đà Lạt tìm hiểu phương thức chăm sóc các loài hoa, đưa các giống hoa về trồng. Sau đó nhận thấy thổ nhưỡng ở địa phương phù hợp nhất với cây đào nên cây đào vẫn là cây hoa Tết chính được người dân tập trung chăm sóc.

Người dân tìm đến làng nghề Phù Liễn chọn hoa. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Bên cạnh hoa đào, Phù Liễn còn cung cấp ra thị trường nhiều loại hoa khác đa dạng về sắc màu, chủng loại như hoa cúc, hoa hồng, hoa đồng tiền, hoa ly, layơn, violet... Bằng sự cần cù, chịu khó học hỏi khoa học, kỹ thuật, nghề trồng hoa, cây cảnh đã mang lại cho người dân Phù Liễn cuộc sống sung túc, cơ sở vật chất ngày càng khang trang, hiện đại.

Làng nghề hoa, cây cảnh Phù Liễn nay có gần 400 hộ với diện tích trồng hoa, cây cảnh hiện khoảng 22ha; trong đó, 70% diện tích là trồng đào. Tay nghề trồng đào của người làng Phù Liễn ngày càng cao, hoa đào Phù Liễn ngày càng có tiếng. Có những vườn đẹp, khách đặt mua toàn bộ vườn từ khi đào còn chưa tuốt lá. Ước tính, lợi nhuận từ trồng hoa đào gấp 10-15 lần trồng lúa. Thu nhập từ nghề trồng hoa mang lại cho người dân đạt từ 100-120 triệu đồng/sào/năm.

Theo ông Vương Văn Giang, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hồng Phong, năm 2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương chính thức công nhận Phù Liễn là làng nghề truyền thống hoa, cây cảnh. Những năm gần đây, thị trường của hoa Phù Liễn ngày càng mở rộng.

Ông Giang cho biết đầu năm 2024, Ủy ban Nhân dân xã Hồng Phong đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Nam Sách quan tâm hướng dẫn hỗ trợ địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho hoa đào để nâng cao giá trị thương hiệu cây đào Phù Liễn.

Với những nông dân tay nghề giỏi như ông Nguyễn Hồng Chiến và nhiều hộ dân làng nghề, đây là một tin vui đầu Xuân. Hy vọng với việc xây dựng thành công sản phẩm OCOP hoa đào Phù Liễn, thị trường của cây đào Tết Phù Liễn nói riêng và hoa, cây cảnh nói chung của làng nghề sẽ tiếp tục được mở rộng, không chỉ trong tỉnh mà còn có thể thêm nhiều địa phương khác trong cả nước, nâng cao thu nhập cho người nông dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục