Hai nhà khoa học Việt Nam là Hoàng Thị Giang, Tiến sỹ nghiên cứu Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, và Trần Quang Hóa, Phó Trưởng khoa Toán - giảng viên Đại học Sư phạm Huế, đã vinh dự được nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp về "Nỗ lực cho hợp tác song phương trong khoa học giữa Pháp với các nước ASEAN."
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, lễ trao giải đã diễn ra tại Viện Hàn lâm Pháp vào ngày 17/10. Cùng nhận giải thưởng với hai nhà khoa học Việt Nam còn có các cộng sự người Pháp là Giáo sư Stéphane Jouannic, thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD) đồng thời là giảng viên trường Đại học Montpellier và Giáo sư Marc Chardin, chuyên gia Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS) đồng thời là giảng viên Đại học Sorbonne.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Tiến sỹ Hoàng Thị Giang nhấn mạnh giải thưởng là minh chứng cho nỗ lực và mối quan hệ tốt đẹp giữa nhóm nghiên cứu Việt Nam với các đối tác Pháp trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Tiến sỹ Hoàng Thị Giang cho biết dự án đã được tiến hành từ hơn 10 năm nay, đề tài của nhóm tập trung vào bộ giống lúa địa phương Việt Nam.
Dự án đã khai thác đặc tính gene của bộ giống lúa địa phương nói trên vốn mang đặc trưng của Việt Nam vì không ở nơi nào có được bộ giống lúa này. Việc nghiên cứu này là nhằm tạo ra những giống mới có khả năng chống chịu với các điều kiện bất lợi như sâu bệnh, hạn mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu và duy trì được năng suất cũng như chất lượng.
Tiến sỹ Hoàng Thị Giang hy vọng trong tương lai, nhóm nghiên cứu có thể tạo ra những giống lúa có đặc tính tốt nhất để phục vụ cho bà con nông dân.
Cộng sự trong dự án nghiên cứu về lúa Việt Nam, Giáo sư Stéphan Jouannic cũng cho rằng chương trình không chỉ góp phần phát huy giá trị các giống lúa địa phương mới mà còn mở ra cơ hội trao đổi giữa Việt Nam và Pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh viên và công tác đào tạo tiến sĩ tương lai trong lĩnh vực này.
Ông Stéphan Jouannic đánh giá:"Hai bên đã làm việc và trao đổi với nhau trên tinh thần xây dựng. Có thể nói đây là một mô hình hợp tác phong phú và hiệu quả."
Về phần mình, giảng viên Trần Quang Hóa, Phó Trưởng khoa Toán - Đại học Sư phạm Huế, cho biết đề tài được giải thưởng lần này đề cập đến các nghiên cứu về toán học lý thuyết, nhưng cũng có ứng dụng cụ thể đó là "ánh xạ hữu tỉ" dùng để mô hình hóa các vật thể như ôtô, máy bay, hay ứng dụng trong công nghệ in 3D.
Anh Trần Quang Hóa chia sẻ: "Giải thưởng sẽ tạo điều kiện để nhóm nghiên cứu ở Huế và Hà Nội có cơ hội làm việc với các giáo sư đầu ngành ở Pháp."
[Hai nhà nghiên cứu Việt Nam nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp]
Là cộng sự của giảng viên Trần Quang Hóa, Giáo sư Marc Chardin cũng cho rằng "giải thưởng là một cơ hội tốt để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa các nhà khoa học Pháp với các đồng nghiệp Việt Nam, đặc biệt là với nhóm nghiên cứu ở Huế."
Viện Hàn lâm Khoa học Pháp được Vua Louis XIV thành lập năm 1666 nhằm khuyến khích và bảo vệ tinh thần nghiên cứu khoa học tại nước này.
Là một trong 5 hội học thuật trực thuộc Viện Pháp (Institut de France), Viện Hàn lâm Khoa học vẫn được người Pháp ví như là "Nghị viện của những nhà thông thái" bởi đây là nơi tập hợp những nhà khoa học hàng đầu.
Viện có vai trò phản ánh, xem xét và đề xuất các giải pháp xã hội đặt ra trong quá trình phát triển của khoa học và công nghệ, đánh giá chất lượng nghiên cứu và giáo dục khoa học, phát triển quan hệ quốc tế trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, đồng thời phổ biến các thành tựu khoa học tới công chúng.
Với sự ủng hộ của các nhà tài trợ và các đối tác công và tư, Viện Hàn lâm Khoa học Pháp trao tặng mỗi năm khoảng 80 giải thưởng, học bổng và huy chương với tổng số tiền hơn 1 triệu euro.
Những giải thưởng này nhằm vinh danh các nhà khoa học giàu kinh nghiệm hoặc hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ khi bắt đầu sự nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học cơ bản và ứng dụng.
Giải thưởng quốc tế được Viện Hàn lâm Khoa học Pháp trao tặng hằng năm nhằm vinh danh các công trình hợp tác khoa học giữa Pháp và các nước cũng như các tổ chức quốc tế. Việc hai nhà khoa học Việt Nam được nhận giải thưởng danh giá này góp phần thúc đẩy hơn nữa các mô hình hợp tác khoa học song phương./.