Theo Sở Công Thương Hải Phòng, từ ngày 1-12/11, Sở Công Thương Hải Phòng tiếp nhận văn bản của 6 doanh nghiệp xin tạm dừng hoạt động kinh doanh xăng dầu tại 8 cửa hàng.
Cụ thể, 6 doanh nghiệp gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Phú Lâm tạm ngừng bán mặt hàng xăng A95 tại 3 cửa hàng gồm cửa hàng xăng dầu Cầu Niệm, số 58 Trường Chinh, phường Lãm Hà, quận Kiến An từ 17 giờ ngày 7/11; cửa hàng xăng dầu Tân Tiến (thôn Do Nha, xã TânTiến, huyện An Dương) từ 7 giờ ngày 8/11; cửa hàng xăng dầu Đông Hải (số 1356 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đông Hải 2, quận Hải An) từ 10 giờ ngày 4/11 cho đến khi nhập được hàng.
Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ thương mại Hoa Phượng xin tạm dừng bán hàng tại cửa hàng xăng dầu Cầu Nguyệt từ ngày 7/11 đến ngày 30/12 để sửa chữa.
Chi nhánh Công ty cổ phần nông sản Agrexim Hải Phòng xin tạm dừng bán hàng tại cửa hàng xăng dầu Agrexim Hải Phòng, địa chỉ số 310 Lê Duẩn từ 11 giờ ngày 10/11 đến khi nhập được hàng.
Hợp tác xã Công ty thương mại Việt Phương xin tạm dừng hoạt động kinh doanh tại cửa hàng xăng dầu Hồng Quang, đường Vòng Cầu Niệm do không nhập được hàng.
Doanh nghiệp tư nhân Thành Long xin tạm dừng bán hàng tại cửa hàng xăng dầu số 1808, tổ dân phố Nguyễn Huệ, phường Minh Đức, quận Đồ Sơn do không nhập được hàng từ ngày 10/11.
Công ty cổ phần thương mại tổng hợp Vân Trường xin tạm dừng hoạt động cửa hàng bán lẻ xăng dầu Minh Đức tại thôn Hòa Nhất, xã Đặng Cương, huyện An Dương từ ngày 15/11 để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp.
[Tuyệt đối không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống]
Một số thương nhân phân phối như Công ty cổ phần Petrotimes, Công ty trách nhiệm hữu hạn xăng dầu Nam Ninh, Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Phú Lâm báo cáo khó khăn về nguồn cung xăng dầu cho hệ thống do không mua được hàng từ thương nhân cung cấp xăng dầu dù doanh nghiệp chấp nhận mua với mức giá cao hơn giá bán lẻ để duy trì hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, còn có 7 doanh nghiệp xin điều chỉnh thời gian bán hàng xuống còn khoảng 10 giờ/ngày.
Thực tế đó cho thấy nguồn cung xăng dầu trên địa bàn thành phố có dấu hiệu khan hiếm hơn trước. Để góp phần quản lý thị trường xăng dầu, hạn chế tình trạng đầu cơ găm hàng chờ tăng giá, ngày 10/11, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng vừa có chỉ đạo tăng cường quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu trên địa bàn.
Hải Phòng là thành phố cảng lớn của khu vực miền Bắc và cả nước với hệ thống hàng nghìn các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, dịch vụ logistics; trên 20.000 xe container phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, dịch vụ, trung bình mỗi ngày tiêu thụ trên 1.500m3 xăng dầu.
Trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện có 9 tổng kho xăng dầu với tổng dung tích là 450.000m3; 1 thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu; 13 thương nhân phân phối; 1 tổng đại lý; 6 đại lý bán lẻ xăng dầu; trên 250 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu (gồm cả cửa hàng xăng dầu mặt đất và mặt nước), trong đó có khoảng 110 cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của các doanh nghiệp nhà nước như Petrolimex, PVOIL, xăng dầu quân đội...
Tính từ tháng 9/2022 đến nay, Sở Công Thương chủ trì kiểm tra và phối hợp kiểm tra thực tế trên 50 cửa hàng xăng dầu trong thành phố…
Qua kiểm tra, các cửa hàng cơ bản tuân thủ các quy định trong kinh doanh xăng dầu; khi nghỉ bán hoặc giảm giờ bán hàng đều báo cáo Sở Công Thương.
Tuy nhiên, Sở cũng nhận được đơn đề nghị của hơn 20 doanh nghiệp báo cáo khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh xăng dầu./.