Hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích lệnh trừng phạt của Mỹ

Bộ trưởng Tư pháp Abdulhamit Gul và Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu đã chỉ trích việc Mỹ áp đặt trừng phạt đối với họ liên quan tới vụ bắt giữ linh mục người Mỹ Andrew Brunson ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: mynet.com)

Ngày 2/8, hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, gồm Bộ trưởng Tư pháp Abdulhamit Gul và Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu, đã chỉ trích việc Mỹ áp đặt trừng phạt đối với họ liên quan tới vụ bắt giữ linh mục người Mỹ Andrew Brunson ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên tài khoản Twitter chính thức của mình, Bộ trưởng Tư pháp Gul tuyên bố ông "thậm chí không có một xu nào" tại Mỹ, và ông "không có ước mơ nào ngoài việc được sống tại đất nước của mình."

Trong khi đó, cũng trên tài khoản Twitter cá nhân, Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu cho rằng "tài sản duy nhất mà chúng tôi có ở Mỹ là FETO," ám chỉ tổ chức của những người ủng hộ giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen - nhân vật đang sống lưu vong tại Mỹ và bị chính quyền Ankara cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính bất thành hồi năm 2016.

[Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ dọa trả đũa lệnh trừng phạt của Mỹ]

Trước đó, cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ thông báo đã liệt Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ vào danh sách trừng phạt với lý do hai quan chức này có vai trò quan trọng trong quyết định bắt giam giữ linh mục Andrew Brunson.

Phản ứng với quyết định này, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ “trả đũa” lệnh trừng phạt của Mỹ, trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định Ankara sẽ không nhượng bộ trước các mối đe dọa của Mỹ.

Linh mục Andrew Brunson, người đã làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn 20 năm, bị bắt giữ hồi tháng 10/2016 tại một nhà thờ ở thị trấn Aliaga, thành phố Izmir, miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ và bị đưa ra xét xử sau hơn một năm rưỡi bị giam giữ. Các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc linh mục Brunson giúp đỡ tổ chức của giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen. Tuy nhiên, ông Brunson phủ nhận mọi cáo buộc.

Vụ việc trên đã đẩy Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại giao mới. Quan hệ giữa hai nước cũng từng căng thăng liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng miền Bắc đảo Cyprus hồi năm 1974 và cuộc chiến tranh tại Iraq do Mỹ đứng đầu hồi năm 2003.

Cho đến nay, hai nước vẫn bất đồng quan điểm về hoạt động quân sự tại Syria, trong đó có việc Mỹ hỗ trợ Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) - lực lượng mà Ankara coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.