Ngày 19/5, các chuyên gia Trung Quốc cho biết hai thị trấn Gyirong và Nyalam tại Khu tự trị Tây Tạng thuộc Tây Nam nước này đã dịch chuyển khoảng 60 cm về phía Nam sau trận động đất dữ dội ở Nepal.
Theo Giáo sư Vương Kì thuộc Đại học Nghiên cứu Địa chất của Trung Quốc, trận động đất kinh hoàng hồi tháng 4 ở Nepal đã dẫn đến sự di chuyển của mảng Ấn Độ và mảng Á-Âu. Trong khi đó, Gyirong và Nyalam nằm gần tâm chấn, do đó có sự dịch chuyển rõ rệt. Ngoài ra, trận động đất cũng khiến Nyalam lún khoảng 10cm. Ông Vương còn cho biết thêm sau khi phân tích, họ sẽ đưa ra kết luận liệu chiều cao của Núi Qomolangma có thay đổi hay không.
Riêng tại Tây Tạng, ít nhất 25 người đã thiệt mạng, 4 người mất tích và 797 người bị thương trong các trận động đất vừa qua ở Nepal. Động đất cũng ảnh hưởng đến gần 300.000 người, khiến hơn 52.000 người phải sơ tán, trong khi 242 ngôi đền bị phá hủy tại đây.
Trận động đất mạnh 7,9 độ Richter xảy ra tại Nepal ngày 25/4 vừa qua và những dư chấn kèm theo đã khiến gần 9.000 người thiệt mạng và phá hủy hàng chục nghìn nhà cửa tại nước này. Động đất cũng ảnh hưởng tới các nước láng giềng như Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh.
Cùng ngày, người phát ngôn Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết gần 1 triệu trẻ em Nepal không thể trở lại trường học sau trận động đất kinh hoàng hồi tháng 4, cho thấy nhu cầu khẩn cấp về giáo dục tại quốc gia này.
Theo ông Farhan Haq, nhiều trẻ em Nepal không thể tiếp tục đi học trong khi lời kêu gọi hỗ trợ khẩn cho giáo dục hiện chỉ nhận được 1,3% số tiền cần thiết. Điều này đặt trẻ em vào nguy cơ trở thành nạn nhân của buôn người và bị lạm dụng sức lao động.
Báo cáo của Bộ Giáo dục Nepal cho biết khoảng 12.550 lớp học và 1.016 hệ thống cấp nước cho các khu vực trường học hoàn toàn bị phá hủy. Hơn 4.070 lớp học bị tàn phá nghiêm trọng và 6.889 phòng học bị rạn nứt. Chính phủ Nepal đã hoãn thời gian mở lại trường học đến ngày 29/5 tới, muộn hơn 15 ngày so với dự kiến trước đó, song các trường có thể sẽ không theo đúng kế hoạch do nhiều cơ sở bị thiệt hại nặng nề./.