Các nhà bình luận chính trị ở Pháp cho rằng dù người đắc cử Tổng thống Pháp sau cuộc bầu cử vòng hai vào ngày 7/5 tới là ông Emmanuel Macron hay bà Marine Le Pen, cả hai đều sẽ gặp phải thách thức lớn để có thể nhận được sự ủng hộ của đa số tại Quốc hội (Hạ viện) Pháp, sẽ được bầu lại vào tháng Sáu tới.
Đây là một điều kiện rất quan trọng để có thể điều hành được đất nước mà không bị cản trở.
Đối với bà Le Pen, đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) hiện chỉ có 2 ghế trong Quốc hội. Nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai, bà Le Pen sẽ phải nỗ lực để giúp đảng này giành thêm nhiều ghế tại Quốc hội, gồm 577 ghế, trong cuộc bầu cử vào tháng Sáu.
[Bầu cử Pháp: Hai ứng viên sẽ tranh luận trực tiếp trên truyền hình]
Bà Le Pen hy vọng sẽ có thêm được một số nghị sỹ nữa để thành lập được một nhóm tại Quốc hội (tối thiểu là 15 người), và trong trường hợp chiến thắng, bà sẵn sàng liên minh với "những người yêu nước" để hình thành một đa số để cầm quyền.
Đối với ứng cử viên Macron, vấn đề còn hóc búa hơn nữa vì ông không có đảng phái nào hậu thuẫn, trong lúc Phong trào Tiến bước của ông chỉ là một tập hợp lỏng lẻo, thành lập mới được một năm và hoàn toàn không có một nền tảng cử tri nào.
Ngay sau chiến thắng tại vòng một, ông Macron đã bắt tay ngay vào việc xây dựng một đa số để điều hành chính phủ và thực hiện thay đổi theo chiều hướng mới.
Ông tin tưởng là cử tri Pháp sẽ nhất quán trong chọn lựa của mình, nếu đã bỏ phiếu chọn ông làm tổng thống thì họ cũng sẽ bầu cho những ứng cử viên của ông vào Quốc hội.
Chuyên gia Jérôme Sainte-Marie, thuộc Viện thăm dò dư luận Polling Vox đánh giá: "Bất kể người được bầu làm tổng thống là ai, cử tri Pháp sẽ khẳng định sự chọn lựa của họ" qua cuộc bầu cử Quốc hội vào đầu tháng 6/2017.
Đối với chuyên gia này, ông Macron có lợi thế là thích hợp với một phần cử tri của cả cánh tả lẫn cánh hữu.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại có quan điểm khác biệt. Theo ông Frédéric Sawicki, Giáo sư Đại học Sorbonne, ông Macron chưa có đủ liên minh hay thỏa thuận để có thể có đa số ở Quốc hội.
Chuyên gia Bruno Jeanbart (Bruy-nô Giăng-ba) của Viện thăm dò dư luận Opinionway, cũng đánh giá rằng ông Macron vẫn có thể tìm được một đa số ở Quốc hội, nhưng đó là một công việc rất khó khăn.
Theo giới phân tích, thất bại thảm hại của hai đảng cầm quyền truyền thống – đảng Xã Hội và đảng Những người Cộng hòa, trong cuộc bầu tổng thống lần này, không có nghĩa là những người của các đảng này sẽ thất bại trong cuộc bầu Quốc hội sắp tới.
Đối với đảng cánh hữu Những người Cộng hòa, ứng cử viên François Fillon bị thất bại do tai tiếng cá nhân, chứ không phải vì đảng bị chê trách. Trên cơ sở đó họ đã tỏ quyết tâm giành ưu thế tại Quốc hội, buộc Tổng thống mới phải "chấp nhận chung sống."
Do chủ trương đổi mới nền chính trị Pháp, ông Macron cho đến nay vẫn từ chối thỏa thuận với các đảng, ngoại trừ với một đảng cánh trung của ông François Bayrou, đồng minh của ông.
Việc từ chối các thỏa thuận có thể sẽ tai hại cho ông Macron vì một trong những đối thủ đáng ngại của ông sẽ là đảng Xã hội./.