Theo nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học chỉ ra mỗi năm thế giới có thể giảm hơn 3 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết nếu mức tăng nhiệt độ toàn cầu được hạn chế ở 1,5 độ C.
Cụ thể, dựa trên các mô hình máy tính, các nhà nghiên cứu Đại học Đông Anglia (Anh) phát hiện ra rằng nếu có thể hạn chế mức nhiệt tăng toàn cầu ở 2 độ C thì số ca mắc sốt xuất huyết ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe trung bình có thể giảm tối đa là 2,8 triệu ca tính đến cuối thế kỷ này.
Trong khi đó, nếu mức nhiệt tăng hạn chế ở 1,5 độ C thì ngoài 2,8 triệu ca nêu trên, sẽ có thêm hơn 500.000 ca sốt xuất huyết được ngăn chặn, và "khu vực hưởng lợi" cũng mở rộng tới Nam Phi.
Bệnh sốt xuất huyết do muỗi lây truyền có những triệu chứng giống bệnh cúm nhưng có thể dẫn tới tử vong nếu diễn biến nghiêm trọng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mắc bệnh sốt xuất huyết hằng năm tăng gấp 30 lần trong vòng 50 năm qua. Mỗi năm thế giới có 390 triệu người mắc bệnh sốt xuất huyết trong đó 54 triệu ca ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe.
Hiện chưa có biện pháp điều trị căn bệnh này, vì vậy các chuyên gia khuyến cáo phát hiện sớm và chăm sóc kịp thời để giúp người bệnh tránh nguy cơ tử vong.
Đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra những lợi ích về mặt sức khỏe nếu loài người có thể hạn chế mức hiện tăng trong biên độ 1,5 độ C tới 2 độ C.
Nhóm nghiên cứu thực hiện đánh giá này dựa trên thực tế rằng con người ngày càng quan ngại về những ảnh hưởng tiềm tàng của tình trạng biến đổi khí hậu với sức khỏe cộng đồng.
Theo nhóm nghiên cứu, việc hiểu và lường trước những ảnh hưởng về mặt sức khỏe với cộng đồng từ hiện tượng ấm lên toàn cầu là đặc biệt quan trọng để có những chuẩn bị cần thiết và phản ứng.
Dựa trên các mức cam kết kiềm chế phát thải khí nhà kính mà các quốc gia trên thế giới đưa ra thì mức tăng nhiệt toàn cầu sẽ là 3 độ C thay vì dưới 2 độ C như mục tiêu đề ra.
Do đó, tác giả nghiên cứu cảnh báo cần phải hành động nhiều hơn và khẩn trương hơn nữa để giảm lượng khí CO2 nhằm tránh những tác động này.
Kể từ năm 2000, biến đổi khí hậu đã tác động nghiêm trọng tới sức khỏe con người khi gây ra nhiều đợt nắng nóng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các căn bệnh do muỗi lây lan diễn biến phức tạp hơn, ảnh hưởng tới sản lượng mùa màng và đe dọa an ninh lương thực...
WHO trước đó đã ước tính biến đổi khí hậu có thể khiến số người tử vong mỗi năm trên toàn thế giới tăng thêm 250.000 người trong giai đoạn từ năm 2030 đến 2050./.