Hàn Quốc: 1.600 người bị quay lén, phát trực tiếp trong khách sạn

Khoảng 1.600 người đã bị bí mật ghi hình trong các phòng khách sạn ở Hàn Quốc, và các cảnh quay đều được phát trực tiếp trên mạng cho những người xem có trả tiền.
(Nguồn: cnn.com)
(Nguồn: cnn.com)

Khoảng 1.600 người đã bị bí mật ghi hình trong các phòng khách sạn ở Hàn Quốc, và các cảnh quay đều được phát trực tiếp trên mạng cho những người xem có trả tiền, theo thông tin từ cảnh sát nước này.

Hai người đàn ông đã bị bắt giữ và hai người khác hiện đang bị điều tra do nghi ngờ có liên quan đến vụ bê bối này.

Theo CNN, có 42 phòng ở 30 khách sạn trải khắp 10 thành phố tại Hàn Quốc có gắn camera quay lén. Cảnh sát cho biết chưa có bằng chứng cho thấy các khách sạn đồng lõa trong vụ việc này.

Theo Cục Điều tra Mạng thuộc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, những chiếc camera được giấu bên trong các đầu truyền hình kỹ thuật số, ổ điện gắn tường và giá đỡ máy sấy tóc, và những hình ảnh thu được từ đây sẽ được truyền trực tiếp lên mạng.

Trang web phát những đoạn video này có hơn 4.000 thành viên, trong đó có 97 người trả mức phí 44,95 USD/tháng để tiếp cận những tính năng bổ sung, ví dụ như khả năng phát lại những đoạn ghi hình trực tiếp nhất định.

[Kiểm soát viên bị đánh suýt chết vì quay lén dưới váy phụ nữ]

Cảnh sát cho biết, từ tháng 11/2018 đến nay, trang web này đã thu về hơn 6.000 USD.

"Trước đây từng có một vụ án tương tự, ở đó các máy quay đã được lắp bất hợp pháp trong các khách sạn để quay lén, nhưng đây là lần đầu tiên cảnh sát phát hiện ra những đoạn video đó được phát trực tiếp lên Internet," cảnh sát cho hay.

Hàn Quốc: 1.600 người bị quay lén, phát trực tiếp trong khách sạn ảnh 1Camera được gắn ở nhiều nơi trong các phòng khách sạn. (Nguồn: cnn.com)

Quay lén và ghi hình trái phép là một vấn đề nghiêm trọng tại Hàn Quốc hiện nay. Năm 2017, đã có hơn 6.400 vụ ghi hình bất hợp pháp được báo cáo với cảnh sát, tăng vọt so với số 2.400 vụ năm 2012.

Năm ngoái, hàng chục nghìn phụ nữ đã xuống đường biểu tình tại Seoul và các thành phố khác để phản đối vấn nạn này và yêu cầu hành động, với khẩu hiệu "Cuộc sống của tôi không phải là phim khiêu dâm."

Chính quyền thành phố Seoul đã phản ứng lại bằng cách lập ra một nhóm công tác đặc biệt gồm các thanh tra nữ để tiến hành những đợt kiểm tra thường xuyên tại hơn 20.000 nhà vệ sinh công cộng trong thành phố nhằm phát hiện các máy quay lén.

Tuy nhiên, một số nhà phê bình cho rằng động thái này chỉ là một phản ứng hời hợt với một vấn đề mang tính xã hội.

Năm ngoái, trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Lee Ji-soo, một chuyên gia máy tính, người thường xuyên giúp phụ nữ xóa những hình ảnh được chụp mà không có sự đồng ý của họ khỏi Internet đã chia sẻ rằng công ty của cô đã chứng kiến một sự gia tăng đột biến nhu cầu của khách hàng từ sau khi các cuộc biểu tình thu hút sự chú ý về vấn đề này.

"Các khách hàng của chúng tôi rất thường nói - với vẻ rất đau lòng - rằng 'Tôi muốn chết' hay 'Tôi không thể ra khỏi nhà được.' Nhất là những nạn nhân của những máy quay lén hay những đoạn video bị ghi hình trái phép, họ sợ sẽ bị người khác nhận ra khi đi trên phố," Lee cho biết.

Vào tháng 1, một người đồng sở hữu của Soranet - một trang web khiêu dâm tại Hàn Quốc - đã bị kết án 4 năm tù giam và bị buộc phải nộp phạt 1,26 triệu USD.

Trang web này từng rất nổi tiếng vì là nơi đăng tải các đoạn video và hình ảnh được ghi lại bằng các camera giấu kín chụp dưới váy phụ nữ. Năm ngoái, Soranet đã bị đóng cửa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.