Chính phủ Hàn Quốc ngày 3/4 đã công bố tiêu chí xác định hộ gia đình được hưởng hỗ trợ khẩn cấp nhằm giảm thiểu khó khăn sinh hoạt do ảnh hưởng của COVID-19.
Thông báo của cơ quan chức năng sở tại cho biết Chính phủ Hàn Quốc sẽ lấy số tiền bảo hiểm y tế mà người dân đóng trong tháng 3 năm nay làm mốc tiêu chuẩn.
Theo đó, đối tượng được nhận hỗ trợ khẩn cấp là: hộ gia đình 1 người đóng bảo hiểm dưới 88.000 won/tháng (khoảng 71 USD), hộ gia đình 2 người đóng bảo hiểm dưới 150.000 won (khoảng 121 USD), hộ gia đình 3 người đóng bảo hiểm dưới 195.000 won (khoảng 158 USD) và hộ gia đình 4 người đóng bảo hiểm dưới 237.000 won (192 USD).
Tuy nhiên, riêng những đối tượng chịu thuế bất động sản tổng hợp (do sở hữu nhiều bất động sản hoặc một bất động sản nhưng có giá trị cao) không nằm trong nhóm đối tượng nhận trợ cấp đặc biệt này cho dù vẫn đáp ứng tiêu chuẩn mức đóng bảo hiểm y tế theo 4 mức vừa nêu.
[Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc COVID-19 vượt ngưỡng 10.000 người]
Theo quy định, trong năm 2020 các đối tượng chịu thuế bất động sản tổng hợp tăng 27,7% so với năm 2019, tương đương có khoảng 595.000 người có nguy cơ bị loại khỏi danh sách hưởng hỗ trợ khẩn cấp của chính phủ.
Ngoài các tiêu chí trên, Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ áp dụng cả tiêu chuẩn thu nhập thông thường để xác định diện đối tượng hưởng hỗ trợ khẩn cấp.
Cụ thể là đối với hộ gia đình một thành viên có mức thu nhập dưới 2.640.000 won/tháng (khoảng 2.146 USD); dưới 4.490.000 won (3.650 USD) đối với hộ gia đình 2 thành viên; dưới 5.810.000 won (4.720 USD) với hộ gia đình có 3 thành viên và dưới 7.120.000 won (5.790 USD) đối với hộ gia đình 4 người đều thuộc diện được xét.
Số tiền hỗ trợ cụ thể cho 4 đối tượng nêu trên lần lượt là 400.000 won (323 USD) với gia đình một thành viên, 600.000 won (484 USD) với gia đình hai thành viên, 800.000 won (646 USD) với gia đình ba thành viên và 1 triệu won (807 USD) với gia đình trên 4 thành viên.
Dự kiến tổng ngân sách mà Hàn Quốc cần huy động để triển khai việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân đợt này là 9.100 tỷ won (khoảng 7,45 tỷ USD), trong đó chính phủ "gánh" 7.100 tỷ won (5,81 tỷ USD) bằng việc tái cơ cấu chi tiêu ngân sách hiện hành còn chính quyền các tỉnh, thành phố đóng góp 2.000 tỷ won (1,64 tỷ USD)./.