Hàn Quốc cho phép công dân đã tiêm chủng được du lịch nước ngoài

Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum đã công bố quyết định trên trong ngày 9/6 giữa bối cảnh nước này đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng trên cả nước.
Hàn Quốc cho phép công dân đã tiêm chủng được du lịch nước ngoài ảnh 1Một nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Jecheon, tỉnh Bắc Chungcheong, Hàn Quốc ngày 26/2/2021. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Hàn Quốc sẽ cho phép các nhóm công dân đã được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 được phép du lịch các nước có tình hình dịch bệnh ổn định sớm nhất vào tháng Bảy tới.

Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum đã công bố quyết định ngày 9/6 trên trong bối cảnh nước này đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng trên cả nước.

Phát biểu tại một cuộc họp liên ngành về công tác ứng phó dịch COVID-19, Thủ tướng Kim Boo-kyu nêu rõ: "Bắt đầu từ tháng Bảy, chúng tôi có kế hoạch cho phép những công dân đã được tiêm đủ liều vaccine đi du lịch theo nhóm thông qua các cuộc tham vấn giữa các quốc gia phòng chống dịch tốt."

Ông đặc biệt lưu ý đến tình trạng suy giảm nghiêm trọng của các ngành du lịch và hàng không, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, đồng thời cho biết ngày càng nhiều người dân hy vọng các chuyến du lịch nước ngoài sẽ được nối lại.

Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ dân số tại Hàn Quốc được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên đạt 16,5%.

[Dịch COVID-19: Nhật Bản chuẩn bị cấp “hộ chiếu vaccine”]

Tại Nhật Bản, ngày 8/6, các công ty và trường đại học lớn nước này đã nộp đơn xin phép tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho các nhân viên và sinh viên tại hơn 400 nơi làm việc và cơ sở, bắt đầu từ ngày 21/6 tới.

Trong số các công ty và trường đại học trên có ANA Holdings Inc., công ty Đường sắt Đông Nhật Bản, Tập đoàn Marubeni, Đại học Keio và Đại học Hiroshima, Đại học tỉnh Osaka và Đại học Thành phố Osaka.

Mặc dù các công ty và các trường đại học sẽ chịu trách nhiệm bố trí các địa điểm và nhân viên y tế phục vụ công tác tiêm chủng một cách độc lập, nhưng về nguyên tắc, chính phủ sẽ chịu các chi phí và thiết bị cần thiết.

Chiến dịch này sẽ sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ).

Các công ty được yêu cầu tiêm chủng hai mũi vaccine cho ít nhất khoảng 1.000 người tại cùng một địa điểm, ưu tiên người cao tuổi và những người có bệnh lý nền.

Đối với các công ty vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc huy động được các chuyên gia chăm sóc y tế, Hiệp hội Y tế Tokyo cho biết có kế hoạch triển khai các đội tiêm chủng phối hợp với các tổ chức liên quan khác tới hỗ trợ.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nêu rõ: "Cùng với chương trình tiêm chủng do chính quyền địa phương thực hiện, chúng tôi sẽ nỗ lực tối đa để sớm triển khai tiêm chủng cho nhiều người hơn."

Trong khi đó, Bộ trưởng giám sát chương trình tiêm chủng vaccine của Nhật Bản Taro Kono cho biết một số nơi làm việc và trường đại học tại những khu vực đang tiến hành tiêm chủng cho người cao tuổi có thể bắt đầu kế hoạch mới trên trước ngày 21/6.

Cùng với những nỗ lực hiện có mà chính quyền địa phương thúc đẩy, kế hoạch tiêm chủng mới này được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng tại Nhật Bản, vốn đang bị chậm so với các quốc gia phát triển khác.

Trong nỗ lực thúc đẩy chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 đại trà của Chính phủ Nhật Bản, cũng trong ngày 8/6, chính quyền thủ đô Tokyo đã mở một trung tâm tiêm chủng ngay tại Tsukiji, chợ cá nay đã đóng cửa. Dự kiến, khoảng 500 lính cứu hỏa cùng 2.500 cảnh sát sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại đây.

Chính quyền thủ đô Tokyo lên kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Moderna cho 5.000 người mỗi ngày và đến cuối tháng Sáu sẽ đạt mục tiêu 110.000 người được tiêm chủng tại đây.

Không chỉ lính cứu hỏa, cảnh sát mà ngay cả những tình nguyện viên của đội cứu hỏa địa phương, bác sỹ châm cứu, bác sỹ chỉnh hình và những người từ 64 tuổi trở xuống sẽ đều được tiêm chủng.

Hiện Nhật Bản đang tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna cho người dân.

Mặc dù đã phê duyệt việc lưu hành vaccine của AstraZeneca, nhưng do quan ngại phản ứng phụ huyết khối hiếm gặp nên loại vaccine này vẫn chưa đưa vào sử dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.