Hàn Quốc đầu tư vào công nghệ quốc phòng, 'sẵn sàng cho chiến tranh'

Hàn Quốc đã chọn ra 30 công nghệ phòng thủ chiến lược cần đầu tư, như hệ thống giám sát và trinh sát không gian, nền tảng động cơ đẩy siêu vượt âm và dưới nước cùng những hạng mục tác chiến điện tử.
Hàn Quốc đầu tư vào công nghệ quốc phòng, 'sẵn sàng cho chiến tranh' ảnh 1Binh sỹ Hàn Quốc tuần tra ở thành phố Paju, gần khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Yonhap, ngày 19/4, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này dự định tăng cường đầu tư vào loạt công nghệ quốc phòng tiên tiến tới năm 2037 để sẵn sàng cho chiến tranh trong tương lai, từ hệ thống phòng thủ tên lửa đến nền tảng động cơ đẩy siêu vượt âm.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã công bố chi tiết về kế hoạch cơ bản 15 năm đổi mới khoa học và công nghệ quốc phòng sau khi được Hội đồng Cố vấn Tổng thống về khoa học và công nghệ phê duyệt trước đó cùng ngày.

Tài liệu này bao gồm các định hướng chính sách từ trung đến dài hạn theo mục tiêu của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhằm sở hữu các công nghệ quốc phòng tiên tiến để ứng phó trước những mối đe dọa tên lửa, hạt nhân từ Triều Tiên và các quốc gia lân cận.

Theo kế hoạch này, Hàn Quốc đã chọn ra 30 công nghệ phòng thủ chiến lược cần đầu tư, như hệ thống giám sát và trinh sát không gian, nền tảng động cơ đẩy siêu vượt âm và dưới nước cùng những hạng mục liên quan đến tác chiến điện tử.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đề cập tới các công nghệ phòng thủ tên lửa và tấn công chính xác “sức mạnh lớn” để đối phó với các mối đe dọa từ vũ khí hủy diệt hàng loạt.

[Máy bay chiến đấu KF-21 do Hàn Quốc phát triển đạt tốc độ siêu thanh]

Seoul đã tăng cường nỗ lực đối phó với những mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên, nổi bật gần đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hôm 13/4. Hàn Quốc đặt mục tiêu phóng vệ tinh giám sát quân sự đầu tiên vào tháng 11 năm nay và đang nghiên cứu phát triển tên lửa đạn đạo công suất cao mới, với tên gọi là Hyunmoo-5.

Trước đó, kế hoạch phát triển máy bay tác chiến điện tử trong nước đã được phê duyệt nhằm tăng cường năng lực tác chiến hỗn hợp của lực lượng không quân bằng cách làm gián đoạn/phá hủy hệ thống phòng không, hệ thống chỉ huy và liên lạc của kẻ thù.

Cũng theo hãng thông tấn Yonhap, Hàn Quốc dự kiến thực hiện chuyến bay đội hình đầu tiên của các máy bay không người lái tàng hình vào khoảng năm 2025.

Hiện Hàn Quốc đang phát triển các phương tiện bay không người lái để phối hợp hoạt động với máy bay có người lái trong một loạt nhiệm vụ, chẳng hạn các hoạt động giám sát và trinh sát cũng như các nhiệm vụ tác chiến điện tử.

Quân đội Hàn Quốc thúc đẩy phát triển các hệ thống không người lái này nhằm xây dựng một cơ chế "phối hợp các phương tiện có người lái và không người lái," qua đó giảm thương vong và các phí tổn trong chiến đấu, đồng thời tối đa hóa hiệu quả của các hoạt động chiến đấu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.