Hàn Quốc: Hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên mang lại lợi ích cho 2 miền

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gửi thông điệp tới Triều Tiên, kêu gọi nước này đối thoại và tham gia hiện thực hóa mô hình Bán đảo Triều Tiên hòa bình, thịnh vượng.
Hàn Quốc: Hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên mang lại lợi ích cho 2 miền ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu tại Seoul, ngày 15/8/2021. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, sáng 15/8, trong bài phát biểu nhân Ngày Giải phóng (Quốc khánh) trên truyền hình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề cập đến "mô hình Bán đảo Triều Tiên" góp phần vào sự thịnh vượng của toàn bộ khu vực Đông Bắc Á.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho rằng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên có ý nghĩa quan trọng đối với sự thịnh vượng của thế giới cũng như của hai nước Hàn-Triều.

Đặc biệt, ông đã gửi thông điệp tới Triều Tiên, kêu gọi nước này đối thoại và tham gia hiện thực hóa mô hình Bán đảo Triều Tiên nói trên. 

Tuy nhiên, Tổng thống Moon Jae-in không đề cập đến việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh hay một hiệp định hòa bình đã được nhắc đến từ trước.

Ông cũng không nói đến các dự án hợp tác liên Triều cụ thể như kết nối đường sắt liên Triều hay đoàn tụ các gia đình ly tán trong bài phát biểu của mình.

[Hàn Quốc hối thúc Triều Tiên không làm leo thang căng thẳng]

Điều này dường như phản ánh nhận định rằng quan hệ liên Triều hiện đang trong giai đoạn căng thẳng, với việc đường dây liên lạc liên Triều lại bị ngắt sau 2 tuần khôi phục.

Cũng trong bài phát biểu này, Tổng thống Moon Jae-in đã tuyên bố cánh cửa đối thoại với Nhật Bản luôn rộng mở.

Ông nói: "Chính phủ Hàn Quốc luôn mở rộng cánh cửa đối thoại (với Nhật Bản) để cùng nhau ứng phó với các mối đe dọa mà thế giới đang đối mặt như đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng khí hậu, cũng như các vấn đề hiện tại giữa hai nước."

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc tái khẳng định quan điểm hiện nay của Hàn Quốc là cùng Nhật Bản giải quyết các vấn đề trong hợp tác và lịch sử trước đây: "Chúng ta sẽ giải quyết các vấn đề lịch sử... bằng các hành động và việc làm phù hợp với các giá trị chung và các chuẩn mực của cộng đồng quốc tế."

Ông bày tỏ hy vọng hai nước sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn và trở thành hình mẫu láng giềng hợp tác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.