Sự ổn định tạm thời trên khu vực bán đảo Triều Tiên

Hàn Quốc hy vọng sẽ thuyết phục được chính quyền Tổng thống Biden chủ động đưa ra thiện chí với Triều Tiên, từ đó phá vỡ thế bế tắc hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.
Sự ổn định tạm thời trên khu vực bán đảo Triều Tiên ảnh 1Binh sỹ Hàn Quốc tuần tra tại khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên trên đảo Ganghwa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Tạp chí Tri thức Thế giới số 15/2021, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bổ nhiệm một số lượng lớn các quan chức có kinh nghiệm xử lý các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, về mặt định hình chính sách đối với các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên, Chính quyền ông Biden đang trong tình trạng “chia rẽ,” vẫn chưa hình thành khung rõ ràng.

Phải thừa nhận rằng chính sách đối với bán đảo Triều Tiên là một bộ phận quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Chính quyền ông Biden tuyên bố sẽ xử lý vấn đề bán đảo Triều Tiên, nhưng thực ra trong lòng là nhằm vào Trung Quốc.

Hiện có thể thấy chính sách của chính quyền Tổng thống Biden đối với Bán đảo Triều Tiên là sự tiếp nối của thời (cựu Tổng thống) Barack Obama. Đội ngũ đưa ra quyết định không thay đổi, khung chính sách cũng không thay đổi, chỉ là “điều chỉnh” một chút trong tình hình mới, có thể gọi là “nhẫn nại chiến lược 3.0.”

Cụ thể, chính sách của chính quyền ông Biden đối với Bán đảo Triều Tiên có 3 từ khóa: "đồng minh", "ngoại giao" và "ngăn chặn."

Trước hết, chính quyền Tổng thống Biden mạnh tay “sửa chữa” quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ, muốn đẩy Hàn Quốc lên tuyến đầu để Hàn Quốc làm một số việc cụ thể.

[Hàn Quốc hối thúc Triều Tiên không làm leo thang căng thẳng]

Thứ hai, chính quyền ông Biden có thể triển khai hoạt động ngoại giao với Triều Tiên, nhưng không sẵn sàng tiếp xúc với Triều Tiên ở cấp cao giống như thời ông Trump, mà chỉ sẵn sàng tiến hành đàm phán với Triều Tiên sau khi Triều Tiên áp dụng một số biện pháp mang tính thực chất (chẳng hạn như ngừng các hoạt động hạt nhân tên lửa).

Thứ ba (đây cũng là một dự đoán cơ bản), nếu Mỹ không nhận được phản hồi thiện chí từ phía Triều Tiên sau khi Mỹ đã có những hành động mà họ cho là "thiện chí" với Triều Tiên, Mỹ sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.

Hàn Quốc hiện đối mặt với nhiều rắc rối ở trong và ngoài nước: Thứ nhất, dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và xã hội của Hàn Quốc.

Thứ hai, trong bối cảnh cạnh tranh Trung-Mỹ, Hàn Quốc dù không muốn chọn bên nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ về an ninh, Mỹ chỉ gây sức ép một chút là Hàn Quốc nghiêng về phía Mỹ. Thứ ba, đảng Dân chủ Đồng hành cầm quyền đang đối mặt với khủng hoảng chính trị, nếu không giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2022, khả năng đảng này bị đảng đối lập "phản đòn" là rất cao.

Một điểm nữa là mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã trải qua sự thay đổi lớn từ "nóng" sang "lạnh" trong thời cựu Tổng thống Trump, và hiện tại về cơ bản đã đoạn tuyệt. Hàn Quốc hy vọng sẽ thuyết phục được chính quyền Tổng thống Biden chủ động đưa ra thiện chí với Triều Tiên, từ đó phá vỡ thế bế tắc hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời giúp Hàn Quốc sớm thoát khỏi thế bị động với Triều Tiên.

Mặc dù Triều Tiên còn gặp một số khó khăn về kinh tế và áp lực ứng phó với dịch bệnh không hề nhỏ, song nước này cũng đã thu được thành quả từ việc phong tỏa dịch bệnh.

Thứ nhất, chương trình nghị sự trong nước đã được thống nhất, công tác chuẩn bị chính trị cho sự tự chủ về kinh tế và phát triển sinh kế của người dân ngày càng đầy đủ hơn. Về mặt ngoại giao, nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên Kim Jong-un gần đây đã nhấn mạnh rằng phải "chuẩn bị cho cả đối thoại và đối đầu đối với Mỹ."

Làm thế nào để đánh giá xu hướng tương lai của Bán đảo Triều Tiên? Hiện những đợt tương tác mới giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa bắt đầu, chúng ta không có đủ căn cứ để đưa ra nhận định, song dù tình hình có thay đổi như thế nào thì một trong những yếu tố cốt lõi là xu hướng diễn biến quan hệ Trung-Mỹ.

Hiện tại có thể thấy trong bối cảnh Mỹ sẽ không giảm mức độ gây sức ép với Trung Quốc, quan hệ Trung-Mỹ nhất thời sẽ không thể cải thiện được, khi đó cục diện ổn định của Bán đảo Triều Tiên có thể duy trì được hay không phụ thuộc vào lợi ích của các bên, cũng chắc chắn sẽ trở thành một “quân bài” chiến lược quan trọng.

Với tư cách là bên liên quan lớn nhất và là bên tham gia truyền thống đối với vấn đề bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng và không gian thể hiện vai trò trong việc chủ động định hình cục diện bán đảo Triều Tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.