Hàn Quốc đã sẵn sàng cho vụ phóng tên lửa vũ trụ tự sản xuất Nuri trong ngày 24/5. Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin, Viện Nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KARI) khẳng định các cuộc kiểm tra cuối cùng cho thấy các vấn đề kỹ thuật được đảm bảo, dự báo thời tiết cũng đáp ứng điều kiện của vụ phóng.
Tên lửa vũ trụ Nuri (hay còn được gọi là KSLV-II), có trọng lượng khoảng 200 tấn, sẽ mang theo tổng cộng 8 vệ tinh, bao gồm vệ tinh nhỏ thế hệ tiếp theo và 4 vệ tinh có tên mã là SNIPE, do Viện Khoa học vũ trụ và thiên văn học Hàn Quốc phát triển.
Tên lửa Nuri có chiều dài 47,2m, đường kính lên tới 3,5m và nặng 17,5 tấn. Khác với lần phóng thứ nhất và thứ hai trước đó chỉ mang theo vệ tinh mô phỏng, tên lửa Nuri trong lần phóng thứ ba sẽ mang theo 8 vệ tinh thực nghiệm có thể thực hiện nhiệm vụ thực tế.
Vệ tinh chính lắp trên tên lửa Nuri sẽ là vệ tinh cỡ nhỏ thế hệ thứ 2 do Trung tâm nghiên cứu vệ tinh nhân tạo thuộc Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) phát triển.
[Hàn Quốc phóng thành công tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn]
Ngoài ra, có 4 vệ tinh quan sát thời tiết vũ trụ của Viện Khoa học thiên văn và vũ trụ Hàn Quốc (KASI) và ba vệ tinh lập phương do ba đơn vị tư nhân (Justek, Lumir, Kairo Space) phát triển.
Tên lửa Nuri đã được đưa vào bệ phóng ở trung tâm vũ trụ Naro đặt tại Goheung, thuộc tỉnh Nam Jeolla từ chiều 23/5. Dự kiến, tên lửa vũ trụ Nuri sẽ được phóng vào khoảng 18h24 giờ địa phương.
Vụ phóng tên lửa lần này nếu diễn ra thành công sẽ cho thấy khả năng của Hàn Quốc trong việc vận hành một phương tiện không gian để mang các vệ tinh có tải trọng vào quỹ đạo mục tiêu.
Hàn Quốc lần đầu tiên phóng thử nghiệm tên lửa Nuri vào ngày 21/10/2021. Tên lửa đã bay đến độ cao mục tiêu là 700 km nhưng không thể đưa một vệ tinh giả vào quỹ đạo do động cơ tầng ba bị cháy sớm hơn dự kiến.
Tháng 6/2022, Hàn Quốc đã phóng thành công tên lửa vũ trụ Nuri, đưa vệ tinh lên quỹ đạo, đặt dấu mốc quan trọng trong chương trình vũ trụ của nước này.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới phát triển phương tiện phóng vào không gian có thể mang vệ tinh nặng hơn 1 tấn, sau Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ./.