Hàn Quốc và Nhật Bản lại tranh cãi về đăng ký di sản thế giới

Hàn Quốc phản đối Nhật Bản đăng ký di sản thế giới đối với một số cơ sở sản xuất công nghiệp từng có người Hàn bị cưỡng bức làm việc trong Chiến tranh Thế giới thứ II.
Hàn Quốc và Nhật Bản lại tranh cãi về đăng ký di sản thế giới ảnh 1Ngoại trưởng Yun Byung-se và bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO. (Nguồn: Yonhap)

Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Irina Bokova ngày 19/5 đã kêu gọi Hàn Quốc và Nhật Bản giải quyết cuộc tranh cãi liên quan đến việc Tokyo đăng ký đưa các địa danh Cách mạng Công nghiệp thời Minh Trị của Nhật Bản vào danh sách di sản thế giới, trong đó có một số cơ sở sản xuất công nghiệp từng có người Hàn bị cưỡng bức làm việc trong Chiến tranh Thế giới thứ II.

Thông điệp trên đã được bà Bokova chuyển đến Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se tại một cuộc gặp bên lề Diễn đàn Giáo dục thế giới đang được tổ chức tại Songdo, phía Tây thủ đô Seoul.

Hàn Quốc cho rằng trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945 đã có 57.900 người dân nước này đã bị cưỡng bức lao động, trong đó 94 người đã thiệt mạng, tại 7 khu công nghiệp trong số 23 địa danh mà chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang vận động để được công nhận là di sản thế giới.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung Se coi danh sách đề nghị này là "vi phạm Công ước Di sản thế giới bảo vệ những di sản có giá trị toàn nhân loại."

Trong một thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Tổng Giám đốc Bokova đã ghi nhận lập trường của Seoul, nhấn mạnh rằng hệ thống di sản thế giới cần phải được sử dụng để đóng góp cho sự thống nhất của các nước thành viên UNESCO, và cam kết đóng một vai trò thích hợp giúp hai nước tìm được giải pháp tích cực cho vấn đề trên thông qua đối thoại.

Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kwang-il đã nhắc lại rằng Seoul phản đối việc Tokyo đăng ký các địa điểm trên thành di sản thế giới trong khi phớt lờ các thực tế lịch sử về tình trạng cưỡng bức lao động, đồng thời cho rằng động thái này đi ngược lại tinh thần cơ bản của Công ước Di sản thế giới bảo vệ những di sản có giá trị toàn nhân loại.

Nhật Bản đã đồng ý tổ chức đàm phán về việc trên với Hàn Quốc vào ngày 22/5 tới theo đề nghị của Seoul. Trong số 23 địa danh trên có các mỏ than, nhà máy đóng tàu và cơ sở sản xuất công nghiệp thời Minh Trị.

Nhật Bản cho rằng các địa điểm này đại diện cho quá trình công nghiệp hóa của nước Nhật cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.