Hàn Quốc vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với Triều Tiên

Hàn Quốc vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với Triều Tiên ngay cả trước khi nước này từ bỏ các loại vũ khí hạt nhân của mình nếu Bình Nhưỡng thể hiện cam kết phi hạt nhân hóa.
Hàn Quốc vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với Triều Tiên ảnh 1Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyun. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyun ngày 31/10 tuyên bố Seoul vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với Triều Tiên ngay cả trước khi nước này từ bỏ các loại vũ khí hạt nhân của mình nếu Bình Nhưỡng thể hiện cam kết phi hạt nhân hóa.

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn nguồn tin cho biết phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội Hàn Quốc, Bộ trưởng Cho Myoung-gyun nêu rõ Triều Tiên vẫn chưa cho thấy bất kỳ ý định nào về việc đối thoại với Mỹ mặc dù cả hai bên dường như đang thăm dò khả năng này.

Ông Cho Myoung-gyun nhấn mạnh: “Hàn Quốc và Mỹ đang tìm kiếm mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Nhưng nếu có thể xác định được ý định của Triều Tiên về việc từ bỏ các loại vũ khí hạt nhân thì Chính phủ Hàn Quốc cho rằng đối thoại là điều có thể thực hiện, ngay cả trước khi đạt được mục tiêu trên.”

[Triều Tiên bị cáo buộc đánh cắp kế hoạch đóng tàu chiến của Hàn Quốc]

Giới quan sát nhận xét kể từ sau vụ phóng tên lửa qua vùng trời Nhật Bản ngày 15/9 Triều Tiên chưa có hành động khiêu khích nào, và điều này đang làm gia tăng thái độ lạc quan về khả năng đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Cho cho rằng hiện còn quá sớm để kết luận rằng sự gián đoạn này là một tín hiệu tích cực vì Triều Tiên sẵn sàng tiến hành các hành động khiêu khích vào bất kỳ thời điểm nào.

Trong khi đó, Yonhap dẫn một báo cáo của Quốc hội Mỹ chỉ ra bảy phương án quân sự mà Mỹ có thể áp dụng để đối phó với mối đe dọa từ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, từ đẩy mạnh chính sách ngăn chặn và răn đe đến việc thay đổi chế độ Bình Nhưỡng và đến rút toàn bộ binh sỹ Mỹ ra khỏi Hàn Quốc. Những lựa chọn khác gồm giữ nguyên hiện trạng quân sự... cho đến việc bắn hạ tất cả các tên lửa mà Triều Tiên phóng thử, vô hiệu hóa tên lửa đạn đạo tầm xa, các thiết bị kèm theo và các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang liên quan tới các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, theo đó Mỹ tuyên bố sẽ dùng hành động quân sự để đối phó với mối đe dọa này nếu cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.