Ngày 5/8, Bộ Môi trường Peru cảnh báo trong 6 tháng đầu năm nay, 23.000ha diện tích rừng nhiệt đới Amazon tại nước này đã bị đốt phá.
Phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ dẫn số liệu của Chương trình bảo tồn rừng và giảm thiểu biến đổi khí hậu thuộc bộ trên, cho biết khoảng 71% tổng diện tích rừng Amazon bị tàn phá trên nằm ở 4 bang của Peru, gồm Loreto, Madre de Dios, Ucayali và San Martin.
Trong đó, Loreto là bang lớn nhất, chịu thiệt hại nặng nhất với 5.500ha rừng bị san phẳng, tiếp đến là Madre de Dios (4.300ha), Ucayali (3.700ha) và San Martin (3.000 ha).
[8.000km2 diện tích rừng Amazon bị tàn phá trong năm 2016]
Theo thống kê của Dự án giám sát rừng Amazon vùng Andes (MAAP), chỉ riêng hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp trên sông tại bang Madre de Dios, giáp biên giới với Bolivia và Brazil, đã khiến 1.700 ha rừng ở địa phương này bị xóa sổ từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay.
Tambopata là tỉnh bị ảnh hưởng nhất tại bang này với 2.700ha rừng bị tàn phá.
Giới chức Peru cho biết nguyên nhân của vấn nạn trên chủ yếu do người dân phá rừng lấy đất làm nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi, cũng như tình trạng khai thác gỗ và khoáng sản trái phép.
Đặc biệt, việc các thợ mỏ sử dụng những kim loại nặng như thủy ngân để khai thác khoáng sản rồi thải ra sông, gây ô nhiễm nguồn nước và khu vực xung quanh.
Peru là một trong những nước có diện tích rừng Amazon lớn nhất (chỉ sau Brazil) và là một trong 17 quốc gia sở hữu sự "đa dạng lớn về sinh thái."
Nằm ở phía Đông Peru, lưu vực Amazon chiếm 1/3 lãnh thổ quốc gia Nam Mỹ này và là một nguồn hấp thụ khí nhà kính rất quan trọng của Trái Đất./.