Chiều 26/5 (tức mùng 9 tháng 4 âm lịch), lễ hội trận truyền thống, một nghi lễ quan trọng của Hội Gióng Phù Đổng, được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã diễn ra tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm.
Hội trận năm nay được tổ chức với quy mô lớn, hình thức diễn xướng phong phú, mang đúng ý nghĩa là một lễ hội “độc nhất vô nhị” vùng Đồng bằng sông Hồng.
Theo ghi nhận, lượng khách tham dự hội và lượng người thực hành nghi lễ đông, công tác tổ chức an ninh trật tự cơ bản được đảm bảo.
Hàng chục nghìn người tham gia lễ hội dưới trời nắng gắt
Mặc dù tiết trời khắc nghiệt, nhiệt độ lên đến 38 độ, oi nóng nhưng hàng vạn người vẫn đổ về khu vực đền Phù Đổng tham gia hội trận của Hội Gióng.
Trên dọc triền đê Phù Đổng và hai địa điểm diễn ra các trận đánh cờ của ông Hiệu (mô phỏng Thánh Gióng đánh giặc), người người chen chúc xem các ông Hiệu ra ngoại đàn và thưởng lãm các màn diễn xướng đặc sắc.
Mặt dù, hội trận kéo dài tới hơn 5 giờ đồng hồ, hai trận đánh cờ của ông Hiệu tổ chức tại hai bãi đất trống rộng lớn, không một bóng cây nhưng người già, trẻ nhỏ, nam nữ thanh niên vẫn hào hứng đón xem hội trận.
Theo Ban tổ chức, do trời nắng nóng nên không ít người tham gia hội bị cảm nắng, phải sơ cứu tại điểm y tế xã.
Theo quan niệm truyền thống, lễ hội trận có quy mô lớn, độc đáo và là tín ngưỡng, tâm linh của người dân Phù Đổng cùng các xã lân cận. Lễ hội cũng là dịp tri ân đức Thánh Gióng, cầu mong cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Hội trận tại lễ hội Gióng là một kịch trường dân gian rộng lớn, diễn xướng cầu kỳ với số lượng vai diễn đông.
Hội trận năm nay diễn ra vào năm chẵn nên lượng người tham tham gia thực hành nghi lễ lên đến trên 1000 người, gấp hai lần so với năm lẻ. Tuy nhiên, đó là con số đăng ký với Ban tổ chức, còn số lượng thực tế lớn gấp nhiều lần.
Vai diễn chính tại hội trận năm nay gồm: Hiệu cờ, Hiệu trống, Hiệu chiêng, Hiệu Trung Quân, hai Hiệu Tiểu cổ với số lượng người đăng ký phục vụ mỗi ông Hiệu là 25 người. Nhưng thực tế, số người phục vụ mỗi ông Hiệu (gia nhân) lên tới cả trăm người. Cũng do năm chẵn nên có vai diễn của 28 cô Tướng, số lượng gia nhân mỗi cô cũng nhiều hơn. Đội Phù Giá, phường Ải Lao, phường Áo Đỏ, phường Áo Đen, Bát Tiên… cũng có số lượng người tham gia đông đảo hơn.
Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, trú tại xóm Từa, thôn Phù Dực, xã Phù Đổng, gia nhân ông Hiệu trống Hoàng Anh Tuấn, cho biết số người phục vụ ông Hiệu đăng ký với Ban tổ chức là 25 người nhưng thực tế, đi theo đoàn là gần 100 người.
Theo anh Ngọc Tuấn, đó là vinh dự không chỉ của gia đình ông Hiệu mà của cả họ hàng. Bởi trong họ có người đi theo phục vụ Thánh thì các gia đình đều có lộc và có nhiều may mắn. Nhiều người cũng tự nguyện tham gia phục vụ ông Hiệu trong thời gian diễn ra lễ hội.
Chính lý do đó, hội trận truyền thống năm nay ước tính tới vài chục nghìn người, gồm cả người thực hành lễ và khách dự hội.
An ninh trật tự cơ bản đảm bảo
Là một lễ hội lớn, số lượng người tham gia đông, công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại lễ hội Gióng 2015, đặc biệt là lễ hội trận năm nay được đặc biệt coi trọng.
Theo ông Trần Xuân Tĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phù Đổng, thành viên Ban Tổ chức Lễ hội Gióng năm 2015, trước lễ hội một tháng, Ban tổ chức đã quán triệt tới các thành viên tham gia lễ hội, các lực lượng giữ gìn an ninh về công tác đảm bảo trật tự an toàn. Đối với các vai diễn tham gia hội trận được đại diện các thôn làng và Ban tổ chức lựa chọn kỹ lưỡng, nhất là vai ông Hiệu, cô Tướng.
Sau khi lựa chọn người tham gia, Ban tổ chức cũng triển khai các quy trình, quy định của lễ hội để người tham gia lễ hội nghiêm túc thực hiện. Lực lượng tham gia gìn giữ an ninh chính thức tại lễ hội lên tới 200 người.
Theo ghi nhận, sau trận đánh cờ của ông Hiệu tại bãi Đống Đàm và Soi Bia vẫn diễn ra tình trạng xô xát, lộn xộn trong khi tranh giành lộc Thánh. Mặc dù tình trạng này chưa tới mức nghiêm trọng nhưng công tác an ninh trật tự vẫn cần tăng cường hơn để lễ hội vừa đảm bảo tính truyền thống, vừa đảm bảo tính văn minh./.