Phóng viên TTXVN tại Tel Aviv dẫn nguồn tin của hãng thông tấn INRA cho biết ngày 5/1, hàng chục nghìn người đã tham gia vào các cuộc tuần hành trên khắp đất nước Iran để bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ và phản đối những cuộc biểu tình chống đối gần đây.
Các cuộc tuần hành đã được tổ chức ở nhiều thành phố bao gồm Shahr-e Ray, Damavand, Shahriar, Pakdasht và Robat Karim nhằm thể hiện sự ủng hộ với chính phủ. Phát biểu trước các tín đồ Hồi giáo tại Đại học Tehran, giáo sỹ Ahmad Khatami đã kêu gọi giới chức Iran "xử lý" mạnh tay đối với những kẻ kích động các cuộc biểu tình chống chính phủ mới đây, đồng thời đề nghị Tehran quan tâm hơn nữa đến những khó khăn kinh tế của người dân.
Trong khi đó, theo đề nghị của Mỹ, đêm 5/1 theo giờ Hà Nội, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành phiên họp khẩn cấp để thảo luận về tình hình bạo lực do biểu tình ở Iran, cho dù chính quyền Tehran từ 2 ngày trước đã tuyên bố khôi phục được ổn định và các cuộc biểu tình chống đối đã chấm dứt. Cuộc họp diễn ra trong không khí bị chia rẽ và không đưa ra được bất kỳ tuyên bố chung nào.
[Các quốc gia ủy viên Hội đồng Bảo an bất đồng về tình hình Iran]
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley lập luận rằng những cuộc biểu tình cả chống và ủng hộ chính phủ kéo dài 1 tuần qua tại Iran có thể biến thành một cuộc xung đột toàn diện, giống như ở Syria.
Trong khi đó, Nga chỉ trích việc Mỹ hối thúc đưa vấn đề Iran ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an, lập luận rằng những cuộc biểu tình ở nước này không phải là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế và là công việc nội bộ của Iran.
Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc, ông Francois Delattre cũng có quan điểm tương tự. Ông cho rằng quốc tế "cần phải thận trọng trước bất kỳ mưu đồ nào nhằm khai thác cuộc khủng hoảng này để trục lợi cá nhân." Cùng chung quan điểm với Nga và Pháp, Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Ngô Hải Đào nhấn mạnh thảo luận về tình hình nội bộ của Iran "không giúp giải quyết được vấn đề nội bộ của Iran."
Về phần mình, Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc ông Khoshroo chỉ trích việc Mỹ yêu cầu Hội đồng Bảo an nhóm họp về các cuộc biểu tình tại Iran là "hành động lạm dụng quyền lực của một thành viên thường trực." Ông cũng cho biết chính phủ Iran có những "bằng chứng rõ rệt" cho thấy các cuộc biểu tình gần đây tại Iran "rõ ràng là được chỉ đạo từ nước ngoài."
Trước đó, chính quyền Iran cũng nhiều lần lên tiếng cáo buộc các quốc gia thù địch đã kích động và can thiệp vào các cuộc biểu tình chống đối, bùng phát tại nhiều thành phố của Iran từ ngày 28/12/2017. Theo số liệu chính thức, khoảng 42.000 người đã tập trung phản đối tại các thành phố Tehran, Mashhad, Isfahan và Rasht, trong đó ít nhất 21 người bị thiệt mạng và 450 người khác bị bắt giữ.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 1/1 lý giải các cuộc biểu tình nổ ra bắt nguồn từ những vấn đề tồn tại ở trong nước cùng với sự can thiệp từ bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ, Israel và Saudi Arabia nhằm gây bất ổn cho Iran. Tổng Công tố Iran Mohammad Jafar Montazeri đã chỉ đích danh quan chức Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Michael D’Andrea, là chủ mưu và “kẻ hoạch định chính” gây ra tình hình bất ổn tại nước Cộng hòa Hồi giáo này. Trong khi đó, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố “cuộc bạo loạn của năm” đã thất bại khi số lượng người tham gia biểu tình nhỏ lẻ và đã bị dập tắt hôm 3/1./.