Hàng chục nhà dân bị lún nứt chờ xử lý do thi công tuyến metro 1

Trong quá trình thi công tuyến metro 1 đã gây nứt, lún hàng chục nhà người dân dọc tuyến, chủ đầu tư, nhà thầu thi công cần sớm xử lý để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Gói thầu xây dựng đoạn ngầm từ Nhà ga Bến Thành đến ga Ba Son đã hoàn tất sàn mái giai đoạn 2 và giai đoạn 3, đang tiến hành đào đất để thi công tầng hầm B1. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Tuyến tàu điện ngầm metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên đang được gấp rút thi công để kịp tiến độ đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, trong quá trình thi công đã phát sinh một số vấn đề, gây nứt, lún hàng chục căn nhà của người dân dọc tuyến.

Trước tình trạng trên, chủ đầu tư, nhà thầu thi công cần sớm xử lý để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

"Đứng ngồi không yên "

Chỉ tay vào vết nứt chạy xéo từ nóc nhà đến chân tường, chị Đỗ Thị Mỹ, ngụ tại tổ 8, khu phố 1, phường 22, quận Bình Thạnh cho hay, sau khi phát hiện nhà bị nứt, từ tháng 2/2015 gia đình đã làm đơn phản ánh lên chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Chủ đầu tư, nhà thầu hứa hẹn giải quyết trước Tết Nguyên đán 2015, rồi đến trước 30/4 này nhưng đến nay mọi việc vẫn y nguyên. Nhà vẫn nứt, lún, cánh cửa không đóng lại được, bản thân chị cùng hơn 10 thành viên gia đình cư ngụ trong căn nhà hơn 55m2 trong lo âu, thấp thỏm.

Cách đó không xa, tường nhà ông Nguyễn Văn Phú và ông Hoàng Văn Thái cũng bị nứt toác, từ phòng khách, phòng bếp ở tầng trệt cho đến phòng ngủ ở lầu 2. Những vết ximăng bôi trám qua loa do đơn vị thi công thực hiện không thể che được vết nứt ngày một rộng.

Ông Nguyễn Minh Tâm, tổ trưởng tổ 8, khu phố 1, phường 22, quận Bình Thạnh cho biết do thi công đoạn trên cao dự án metro số 1 đoạn đi qua rạch Văn Thánh nên nhà ông bị nứt phần nhà tắm, xà ngang cũng bị xé nứt.

“Nhiều lần chúng tôi phản ánh lên Ủy ban Nhân dân phường 22 và nhà đầu tư nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Gần đến mùa mưa, không biết tình hình sẽ ra sao; nhất là khi dự án hoàn thành, đơn vị thi công rút máng cừ chắn sẽ khiến đất sụt, nhà sẽ lún nghiêng thêm. Chúng tôi mong mỏi chủ đầu tư sửa chữa nhà hoặc bồi thường số tiền đúng bằng vật liệu xây dựng và nhân công, có như vậy chúng tôi mới hết lo," đại diện nhiều người dân có nhà bị nứt, lún tại phường 22, quận Bình Thạnh cho biết.

Loay hoay khắc phục

Trao đổi với phóng viên, ông Chu Sơn Bình, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 thuộc Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, gói thầu số 2 đoạn đi trên cao đã khiến nhà của 38 hộ quận Bình Thạnh (phường 22 có 30 hộ, phường 19 có 5 hộ) và quận 2 (3 hộ ở phường An Phú) bị nứt, lún.

Tại phường 22, quận Bình Thạnh, đã có 13 hộ đồng ý sửa chữa; trong đó, có 7 hộ đã được sửa chữa xong nhưng vẫn tiếp tục bị nứt, lún. Một số hộ đồng ý phương án cho đơn vị thi công vào sửa nhưng cũng có một số hộ dân muốn nhận tiền để tự sửa chữa.

Lý giải nguyên nhân nhà bị lún, nứt, ông Chu Sơn Bình cho rằng, do nền đất ở ven kênh Văn Thánh, Bình Thạnh yếu, các hộ dân nằm trong khu chỉnh trang đô thị, không được phép xây dựng kiên cố.

Theo biên bản thông báo của Ủy ban Nhân dân phường 22, quận Bình Thạnh, kể từ ngày 31/3-29/4 năm nay sẽ triển khai xong việc bồi thường đối với các hộ dân đồng ý bồi thường, khắc phục một lần. Còn đối với các trường hợp nhà bị lún, nứt nhưng chưa đến mức phải sửa chữa ngay, Ủy ban Nhân dân phường sẽ tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị thi công giải quyết. Thế nhưng đến nay, mọi việc vẫn chưa được tiến hành, khiến nhiều người dân bức xúc.

Đem những trăn trở nêu trên của người dân đến đại diện chủ đầu tư và đơn vị thi công, phóng viên được ông Võ Phi Anh, Phó Tổng Giám đốc Cienco 6 (liên danh với nhà thầu Sumitomo-Nhật Bản, đã mua bảo hiểm cho tình huống nút lún nhà dân) cho biết đang phối hợp với bảo hiểm và đơn vị kiểm toán xác định hiện trạng mức độ thiệt hại để làm căn cứ bồi thường cho người dân.

Cùng với đó, phía Cienco 6 đang thương lượng với từng hộ dân về phương án trực tiếp sửa chữa hay bằng mức tiền phù hợp. Tuy nhiên tiến độ công việc của cơ quan bảo hiểm và đơn vị kiểm toán đến đâu, theo ông Võ Phi Anh thì cũng không thể biết trước được.

“Đơn vị thi công đã cố gắng tối đa để không ảnh hưởng đến nhà dân. Khi xảy ra sự cố thì việc bồi thường, sửa chữa đương nhiên phải làm. Trong khi chờ đợi kết quả của bảo hiểm và đơn vị kiểm định, liên danh nhà thầu sẽ tiến hành thỏa thuận, thương lượng với người dân. Hiện nay tại phường An Phú, quận 2, có 2 hộ đồng ý phương án sửa chữa, 1 hộ đang thương thảo. Mặt khác, trong quá trình thi công dự án, những căn nào bị nứt, lún nặng sẽ được tiến hành xử lý ngay chứ không chờ đến kết quả của bảo hiểm và đơn vị kiểm địnhm,” ông Võ Phi Anh cho biết thêm.

Tuy nhiên, cũng theo ông Võ Phi Anh, việc thống nhất bồi thường bằng tiền cho người dân là rất khó. Đặc biệt, việc người dân mong muốn phá nhà rồi xây lại gần như không thể, nếu làm như vậy sẽ gây khó và thiệt hại cho nhà thầu.

Tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên dài 19,7km, trong đoạn trên cao dài 17,1km, đi qua địa bàn quận 1, Bình Thạnh, quận 2, quận 9, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh và thị xã Dĩ An của tỉnh Bình Dương, có tổng mức đầu tư gần 2,5 tỷ USD, dự kiến hoàn thành và chạy thử trong năm 2019, khai thác thương mại từ năm 2020.

Dự án gồm 5 gói thầu chính; trong đó gói thầu số 2 (đoạn đi trên cao) do liên danh Sumitomo-Cienco 6 làm nhà thầu. Về tiến độ thi công phân đoạn cầu cạn, cầu đặc biệt, đã thi công xong kết cấu phần dưới (đạt 85%), phần thân trụ (93%), cọc (97%), bệ trụ (93%) và xà mũ (76%)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục