Hàng chục tấn cá nuôi lồng, bè chết bất thường trên sông Sêrêpốk

Tại khu vực nuôi cá lồng bè trên sông Sêrêpốk đoạn qua xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, hiện tượng cá chết xảy ra nghiêm trọng, nhất là ở các đơn vị nuôi trồng quy mô lớn.
Hàng chục tấn cá nuôi lồng, bè chết bất thường trên sông Sêrêpốk ảnh 1Theo ước lượng của các hộ dân nuôi cá khu vực trên, với hơn 20 hộ nuôi cá lồng bè trên đoạn sông dài hơn 1km thì số lượng cá chết trong những ngày gần đây bình quân khoảng 10 tấn cá chết/ngày. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo phản ánh của các hộ dân nuôi cá lồng, bè trên sông Sêrêpốk, những ngày gần đây, hiện tượng cá chết bất thường xảy ra với số lượng lớn hàng chục tấn mỗi ngày, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi trồng thủy sản.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN ngày 7/5, tại khu vực nuôi cá lồng bè trên sông Sêrêpốk đoạn qua xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, hiện tượng cá chết xảy ra nghiêm trọng, nhất là ở các đơn vị nuôi trồng quy mô lớn.

Hiện, các hộ dân đang khẩn trương triển khai hệ thống quạt nước dưới lồng bè để tăng lượng oxy trong nước nhằm cải thiện tình trạng cá chết.

[Quảng Nam: Phát hiện thêm vụ cá chết hàng loạt trên sông Nước Biên]

Ông Nguyễn Ngọc Hà (Quản lý trang trại nuôi cá lồng Đảo Xanh) cho biết đơn vị có 29 bè nuôi cá điêu hồng, sản lượng hàng năm đạt 250-300 tấn cá thương phẩm.

Trong 4 ngày gần đây, mỗi ngày, trung bình hơn 1 tấn cá bị chết.

Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân chính làm cá chết tăng đột biến là thời tiết quá nóng. Nhiệt độ vào buổi trưa ở khu vực này khoảng 37 độ C.

Bên cạnh đó, trong những ngày qua, mực nước sông hạ thấp. Các thủy điện trên sông không xả nước nên lưu lượng nước sông Sêrêpốk chảy chậm dẫn đến cá trong các lồng, bè bị thiếu oxy.

Hàng chục tấn cá nuôi lồng, bè chết bất thường trên sông Sêrêpốk ảnh 2Vớt cá chết để xử lý theo quy định. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, để xử lý số lượng cá chết nhiều trong ngày, trang trại đã phải huy động hết nguồn nhân lực vớt cá chết để xử lý theo quy định tránh gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, hệ thống quạt nước được triển khai lắp đặt trong các lồng, bè để tăng lượng oxy cho cá.

Bên cạnh đó, đại diện trang trại đã đề nghị các đơn vị vận hành thủy điện trên sông Sêrêpốk điều tiết nguồn nước trong mùa khô phù hợp để vừa đảm lưu lượng trên dòng sông cũng như sinh kế người dân nuôi cá lồng bè trên sông.

Theo ước lượng của các hộ dân nuôi cá khu vực trên, với hơn 20 hộ nuôi cá lồng bè trên đoạn sông dài hơn 1km trên, số lượng cá chết trong những ngày gần đây bình quân khoảng 10 tấn cá chết/ngày.

Bà Nay H Úy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ea Na, huyện Krông Na, cho biết khi thấy hiện tượng cá nuôi lồng bè chết bất thường với số lượng lớn trên khu vực sông Sêrêpốk, địa phương kiểm tra sơ bộ và làm việc trực tiếp với các hộ nuôi cá trên sông để xử lý số lượng các chết theo quy định, tránh tình trạng đổ cá chết ra sông gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, địa phương đã báo cáo các cơ quan chức năng để kiểm tra, xác định nguyên nhân và hỗ trợ người nuôi cá triển khai các biện pháp làm giảm thiệt hại.

Hàng chục tấn cá nuôi lồng, bè chết bất thường trên sông Sêrêpốk ảnh 3Lắp đặt hệ thống quạt nước dưới lồng bè để tăng oxy trong nước nhằm cải thiện tình trạng cá chết. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Dự báo, trong những ngày tới, hiện tượng cá chết sẽ tiếp tục diễn ra. Do đó, bà Nay H Úy khuyến cáo các hộ nuôi cá tiếp tục theo dõi tình hình để chủ động các biện pháp hạn chế cá chết như lắp quạt nước để tăng oxy trong các lồng bè, xử lý số lượng cá trên sông để đảm vệ sinh môi trường.

Liên quan đến hiện tượng cá chết, ngày 4/5, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Na đã có văn bản thông báo kết quả quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản khu vực nuôi thủy sản lồng, bè trên sông Krông Ana, huyện Krông Ana.

Một số thông số vượt quá ngưỡng cho phép, báo hiệu vùng nuôi có nguy cơ không an toàn, dễ phát sinh bệnh trong quá trình nuôi.

Vì vậy, các hộ nuôi cá cần di chuyển lồng bè ra khu vực có dòng nước lưu thông tốt hơn, nuôi mật độ vừa phải, thực hiện các biện pháp phòng bệnh và quản lý chất lượng nước để ngăn chặn khả năng phát sinh bệnh trên thủy sản nuôi trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục