Hãng hàng không mất cả trăm USD chỉ vì 1 phút chậm hủy chuyến

Chậm, hủy chuyến là vấn đề luôn làm “đau đầu” các hãng hàng không, bởi điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín mà còn gây thiệt hại đáng kể chi phí cho các hãng.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Chậm, hủy chuyến là vấn đề luôn làm “đau đầu” các hãng hàng không, bởi điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín mà còn gây thiệt hại đáng kể chi phí cho các hãng trong khi hành khách lại thở dài ngao ngán để chờ được đặt chân lên tàu bay.

Hãng bay thiệt hại, hành khách ngao ngán

Theo số liệu công bố của Cục Hàng không Việt Nam trong tám tháng cho thấy, chỉ số tỷ lệ bay đúng giờ (chỉ số OTP) của Vietjet Air đạt 83%, Jetstar Pacific đạt 79% và Vietnam Airlines đạt 88%. Đây là chỉ số OTP đạt khá cao so với mức bình quân của thế giới chỉ rơi vào mức 75%.

[Tỷ lệ chậm hủy chuyến của hàng không Việt cao hơn chuẩn thế giới]

Ông Đinh Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm điều hành, khai thác Vietnam Airlines, cho biết chín tháng đầu năm, chỉ số OTP trung bình của hãng là 88,7%, tháng Tám vừa qua là 92%, các chỉ số này tương đương năm 2017, nhưng tăng 5% so với năm 2016.

“Trong những năm vừa qua, chỉ số OTP của Vietnam Airlines cao trong top 10 của châu Á, thậm chí, mùa cao điểm Tết Nguyên đán 2018 lên tới 95%. Vietnam Airlines quy định thống nhất chuyến bay đi đến đúng giờ là chuyến bay có giờ khởi hành thực tế không muộn quá 15 phút so với giờ và khởi hành đến sân bay theo lịch bay đến, đi công bố của ngày hôm trước,” ông Tuấn khẳng định.

Ngoài chỉ số OTP, theo ông Tuấn, Vietnam Airlines còn có thêm chỉ số đúng giờ theo đúng lịch bay tuyệt đối (chỉ số OSP), đây là chỉ số có rất ít các hãng hàng không trên thế giới ứng dụng và thống kê.

Đưa ra mục tiêu chỉ số OSP của hãng hàng không Quốc gia trong năm nay đối với đi/đến là khoảng 47%, ông Tuấn thừa nhận, con số này cao hơn rất nhiều so với các hãng hàng không danh tiếng khác trên thế giới như Air France (Pháp) chỉ là 37%, ANA (Nhật Bản) là 24%.

Đề cập về các yếu tố dẫn đến chậm, hủy chuyến bay, vị Giám đốc Trung tâm điều hành, khai thác Vietnam Airlines liệt kê hàng loạt những nguyên nhân chính là thời tiết, không lưu, sân bay, khách nối chuyến, an ninh, y tế, vật thể lạ... và cả yếu tố chủ quan của hãng như máy bay dự phòng, tổ bay, các dịch vụ mặt đất gồm khâu bán vé, phục vụ ăn, check-in vé bay...

“Thời gian qua, khoảng 60-70% chậm, hủy chuyến hàng không là liên quan đến thời tiết, đặc biệt là các đường bay quốc tế do bão. Đơn cử như cơn bão Trami đổ bộ vào Nhật Bản, các chuyến bay từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng của Vietnam Airlines đến Nhật bị ảnh hưởng do điều chỉnh hướng chuyến bay, phải bay vòng xa hơn 40 phút,” ông Tuấn dẫn chứng.

Hoặc, tại đường bay Trung Quốc do quá đông, có chuyến Vietnam Airlines phải chờ 4 tiếng mới được cấp slot bay (lịch bay) nên ảnh hưởng dây chuyến đến thời gian các chuyến bay tiếp theo. Do đó, đối với mỗi lịch bay, hãng đã lên phương án phải có tàu bay dự phòng cho những trường hợp hay sự cố bất ngờ.

Từ đó, ông Tuấn tính toán thiệt hại đối với hãng hàng không về thực hiện chính sách bồi thường hành khách, thời gian quay vòng tàu bay, chi phí dịch vụ mặt đất… Vietnam Airlines tốn 50-55 USD (khoảng 1,1- 1,2 triệu đồng) cho 1 phút chậm hủy chuyến.

Ông Lương Thế Phúc, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air cho rằng, không một hãng bay nào lại muốn để xảy ra chậm, huỷ chuyến bởi cứ chậm một phút, Vietjet Air thiệt hại khoảng 100 USD (khoảng 2,3 triệu đồng) về chi phí. Không chỉ thiệt hại về tài chính, hãng còn mất uy tín với khách hàng, trong khi hành khách bị ảnh hưởng về thời gian đi lại.

“Chỉ số chuyến bay đúng giờ được coi là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá thực hiện công việc. Lãnh đạo Vietjet giao nhiệm vụ cho đơn vị, từng cung đoạn, từng khâu trong dây chuyền. Đơn vị nào thực hiện không đúng giờ, sau sẽ bị xử phạt đồng thời hãng luôn quán triệt văn hoá đúng giờ trong công ty,” ông Phúc nhấn mạnh.

Hãng bay “ngay ngáy” lo bị phạt

Đề cập đến những giải pháp nâng cao tỷ lệ chuyến bay đúng giờ, đại diện các hãng hàng không cho rằng, giữa các đơn vị liên quan cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, chi tiết từng kế hoạch bay, máy bay và phi hành đoàn dự phòng, điều hành bay, phục vụ mặt đất, ứng dụng công nghệ phần mềm quản lý... và văn hóa ứng xử với hành khách trong chậm hủy chuyến.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không dân dụng quốc tế (IATA), có khoảng trên dưới 100 nguyên nhân dẫn đến chậm, huỷ chuyến bay. Trong số này, ngoài nguyên nhân khách quan như thời tiết, chính trị, xung đột vũ trang… khó có thể can thiệp thì những nguyên nhân chủ quan gồm lỗi kỹ thuật , sắp xếp lịch bay chưa hợp lý, tổ bay, thủ tục hành khách, hành lý... hoàn toàn có thể xem xét những giải pháp làm sao hạn chế tối đa việc chậm huỷ chuyến.

[Chậm, hủy chuyến: Liệu hãng hàng không có dồn chuyến, ghép khách?]

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Bộ Giao thông Vận tải và Cục đã có những quy định khá nghiêm ngặt để khuyến khích các hãng nâng cao chỉ số OTP và chất lượng dịch vụ.

Cụ thể, nếu trong 3-5 tuần liên tiếp mà OTP không đạt 70% sẽ không cho tăng chuyến, không cho mở đường bay mới đồng thời thông số chậm, huỷ chuyến của các hãng hàng không được công khai rộng rãi trên website của cục để công chúng được biết.

“Chậm, hủy chuyến cũng chính là hình thức phạt đối với các hãng do chi phí thiệt hại lớn đến các chuyến bay sau phục vụ ăn uống, bồi thường hành khách. Bản thân các hãng chậm, hủy chuyến nhiều sẽ khiến uy tín và năng lực cạnh tranh giảm hơn so với đối thủ.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Trả lời về việc để nâng cao chỉ số OTP, các hãng hàng không có bỏ qua các quy trình kiểm tra kỹ thuật an ninh? ông Đinh Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm điều hành, khai thác Vietnam Airlines khẳng định, đây là quy trình bắt buộc, quan trọng của hàng không.

Theo ông Tuấn, để có một chuyến bay bao gồm nhiều dây chuyền, Vietnam Airlines chọn con đường nào ngắn nhất trong 40-45 phút giữa 2 chuyến bay (vệ sinh tàu bay, xăng dầu, kiểm tra kỹ thuật...) phối hợp với các nhà cung ứng từ mặt đất, suất ăn, xăng dầu... tuân thủ và đưa yêu cầu rõ ràng từng hãng hàng không chậm trễ như thế nào thì bị xử phạt.

Lý giải về việc phải đặt chỉ tiêu cho từng thời điểm, từng sân bay khác nhau, ông Tuấn nói: “Không thể đánh đồng chỉ tiêu OTP bởi đơn cử như sân bay Tân Sơn Nhất có hạ tầng khó khăn, rất nhiều chuyến bay bị chậm do kẹt đường lăn, không lưu. Hay vào mùa cao điểm, tỷ lệ chuyến bay chậm cũng thường cao hơn mùa thấp điểm.”

Theo các chuyên gia, giải pháp để giảm thiểu tình trạng hành khách khi bay cần lưu ý các thủ tục thì cần phải nâng cao áp dụng các giải pháp công nghệ như sử dụng công nghệ quản lý giờ cất hạ cánh. Với các hãng hàng không phải cung cấp các giải pháp phần mềm cho hành khách dễ dàng truy cập sử dụng để làm thủ tục, nâng tỷ lệ hành khách làm thủ tục hàng không trên mobile, trên website hay tại các kios tự động ở sân bay…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục