Hãng H&M ngừng mua da thuộc từ Brazil sau vụ cháy rừng Amazon

H&M cho biết quyết định này đối với các lệnh mua da thuộc từ Brazil được áp dụng "cho đến khi có các hệ thống đảm bảo chắc chắn rằng mặt hàng này không gây hại môi trường tại Amazon."
Một cửa hàng của hãng thời trang nổi tiếng H&M. (Nguồn: indiaretailing)

Hãng thời trang nổi tiếng H&M của Thụy Điển ngày 5/9 thông báo ngừng việc mua da thuộc từ Brazil nhằm phản đối tình trạng cháy rừng lan rộng tại rừng mưa Amazon ở nước này, vốn gây ra sự phản đối rộng rãi trên toàn cầu.

Tuyên bố của H&M nêu rõ: "Do cháy rừng nghiêm trọng ở phần rừng Amazon thuộc Brazil, và mối liên hệ tới ngành sản xuất da thuộc, chúng tôi quyết định áp đặt lệnh cấm tạm thời đối với đồ da thuộc từ Brazil."

H&M cho biết quyết định này đối với các lệnh mua da thuộc từ Brazil được áp dụng "cho đến khi có các hệ thống đảm bảo chắc chắn rằng mặt hàng này không gây hại môi trường tại Amazon."

Quyết định ngừng mua đồ da thuộc Brazil của H&M được đưa ra sau khi tập đoàn VF của Mỹ, sở hữu một loạt thương hiệu thời trang như Timberland, Vans và The North Face, tuyên bố trong tháng trước rằng tập đoàn sẽ không mua đồ da thuộc từ Brazil nữa bởi lo ngại về sự phá hủy rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới Amazon.

[Brazil cân nhắc các đề nghị hỗ trợ dập cháy rừng Amazon]

Hãng H&M cho hay họ áp đặt lệnh đóng băng tạm thời các đơn đặt hàng da thuộc từ Brazil cho đến khi hãng thời trang tin rằng hàng da thuộc từ nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ không gây ra “tác hại đến môi trường.”

Theo thông tin mới nhất, ngọn lửa lớn đã thiêu rụi một diện tích lớn tại rừng Amazon - khu rừng vốn được coi là "lá phổi" của hành tinh, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một khí hậu toàn cầu ổn định.

Tình trạng này đã làm dấy lên sự phản ứng mạnh mẽ của quốc tế, và gây ra tranh cãi ngoại giao giữa Brazil với các nước châu Âu khi các nước này dọa sẽ hủy một thỏa thuận thương mại lớn giữa hai bên.

Năm ngoái, H&M là một trong hàng chục hãng thời trang hàng đầu thế giới cam kết giảm khí gây hiệu ứng nhà kính xuống còn 30% vào năm 2030.

Tại hội nghị về khí hậu của LHQ, 43 công ty đã nhất trí ưu tiên các vật liệu "thân thiện với khí hậu" và vận tải thải ít khí carbon, cũng như ngừng lắp đặt các lò đốt bằng than đá tại các xưởng sản xuất chậm nhất là cuối năm 2025.

Rừng Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới với diện tích gần 7,6 triệu km2, trải dài qua các nước Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Suriname và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp. Được xem là "lá phổi xanh của hành tinh," rừng Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục