Hàng loạt cây rừng bị chết trên quy mô lớn ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau

Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, Ủy ban Nhân dân tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, khắc phục tình trạng cây rừng bị chết tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.
Hàng loạt cây rừng bị chết trên quy mô lớn ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau ảnh 1Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, Ủy ban Nhân dân tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, khắc phục tình trạng cây rừng bị chết tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.

Theo báo cáo của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, từ cuối tháng 1/2018, tại khoảnh 1, tiểu khu 3 thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau xuất hiện tình trạng cây rừng bị rụng lá và chết, với diện tích 0,72 ha; trong đó, cây bị chết rải rác đa số là cây dưới tán, chiếm tỷ lệ khoảng 9-10%. Hiện Vườn quốc gia Mũi Cà Mau vẫn chưa xác định được nguyên nhân cây rừng bị rụng lá và chết.

Ngoài ra, tại các thửa số 213 và 214, tiểu khu 4 thuộc phân khu phục hồi sinh thái Vườn quốc gia Mũi Cà Mau do hai hộ dân quản lý có gần 0,9 ha rừng bị chết với tỷ lệ cây chết là 90%.

[Sầu riêng chết hàng loạt gây thiệt hại cho nông dân Đắk Lắk]

Trước tình trạng trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau chỉ đạo Vườn quốc gia Mũi Cà Mau tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến khu vực cây rừng bị rụng lá, chết. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh có các biện pháp bảo vệ, bảo tồn và có các biện pháp lâm sinh phù hợp nhằm khắc phục tình trạng cây rừng bị chết.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cũng kiểm tra, rà soát, xác định rõ trách nhiệm của hai hộ dân đang sinh sống tại khu vực có cây rừng bị chết; qua đó, nhắc nhở, xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật (nếu có). Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được giao trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng nhưng chậm phát hiện và báo cáo về Ủy ban Nhân dân tỉnh ngay trong tháng 3/2018.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị chủ rừng thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng để kịp thời phát hiện xử lý tình trạng cây rừng bị chết trên địa bàn (nếu có). Từ đó, tiến hành xử lý nghiêm các hộ dân, chủ rừng không thực hiện đúng các giải pháp chăm sóc, bảo vệ rừng, cố ý để ngập úng, ô nhiễm nguồn nước dẫn đến cây rừng bị chết.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được thành lập vào năm 2003 sau khi chuyển từ Khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi với tổng diện tích tự nhiên gần 42.000 ha, trong đó Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có hai phần diện tích là phần đất liền và phần bảo tồn biển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục