Áp lực từ chi phí nguyên liệu và chi phí vận chuyển khiến giá cả nhiều nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng đồng loạt. Điều này khiến các đại lý phân phối và người tiêu dùng chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus tại các cửa tiệm tạp hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá các mặt hàng tiêu dùng đều tăng từ 5-10% so với tháng trước. Nhiều chủ tiệm chia sẻ từ thời điểm bước sang tháng Tư, các cửa hàng đều phải nhập hàng theo mức giá mới.
[Hà Nội: Đua theo xăng, giá một số loại hàng hóa thực phẩm tăng cao]
Anh Quốc Dũng, chủ cửa hàng tạp hóa trên phố Trương Định (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết chưa đến dịp lễ 30/4-1/5 mà chi phí nhập hàng tiêu dùng đã tăng cao.
“Một thùng mì tôm Hảo Hảo tăng từ 90.000 đồng/thùng lên gần 100.000 đồng/thùng; các mặt hàng thực phẩm như nước tương, nước mắm, bột ngọt... đều tăng từ 5.000-10.000 đồng/sản phẩm. Nhiều khách than phiền rằng cửa tiệm tăng giá sản phẩm, nhưng thực tế chúng tôi cũng phải chịu áp lực từ chi phí nhập hàng,” anh Dũng phân trần.
Các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là nhóm mặt hàng thực phẩm ghi nhận mức tăng giá mới, như dầu ăn Neptune tăng 5.000 đồng, lên mức 65.000 đồng/chai 400ml; dầu ăn Simply tăng 15.000 đồng, lên mức 155.000 đồng/chai 2 lít; mì tôm Omachi tăng 30.000 đồng, lên mức 230.000 đồng/thùng 80g 30 gói; nước mắm Nam Ngư tăng 5.000 đồng, lên mức 40.000 đồng/chai 750ml; sữa Ensure tăng 20.000 đồng, lên mức 220.000 đồng/lốc 6 chai 237ml; nước ngọt Cocacola tăng 40.000 đồng, lên mức 175.000 đồng/thùng 24 lon 330ml...
Chị Hồng, chủ cửa hàng tạp hóa trên phố Trần Xuân Soạn (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, giá hàng hóa leo thang từng ngày nhưng người mua thì “thắt lưng buộc bụng.” Trung bình mỗi sản phẩm các cửa hàng chỉ lãi từ 2.000-3.000 đồng, chưa kể tiền điện để bảo quản nhưng khách giờ đây cân nhắc, đắn đo rất kỹ trước khi mua hàng.
“Người tiêu dùng đi khảo giá rất nhiều nơi xem ở đâu giá thấp nhất mới mua mà không để ý hàng hóa giá thấp đa phần là cận date, sắp hết hạn dụng,” chị Hồng than phiền./.