Do ảnh hưởng nắng nóng kéo dài, hơn 1.300 hộ dân ở xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên phải đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Không có nguồn nước từ công trình cấp nước hoặc giếng khoan, người dân phải mua nước từ nơi khác với giá cao.
Tại thôn Phú Tân 1, xã An Cư, các nguồn nước cấp cho sinh hoạt của người dân như nước từ trạm cấp tập trung, nước giếng, nước mưa đã cạn sạch. Những giếng còn ít nước, bị nhiễm mặn không thể sinh hoạt.
[Video] Nhiều khách sạn ở Sa Pa đóng cửa vì thiếu nước sinh hoạt
Mỗi buổi chiều, những chiếc xe ba gác chở nước đựng trong các can nhựa, thùng phi... đến tận các ngõ để bán cho người dân sinh hoạt.
Một khối (m3) nước giá 60.000 đồng, cao gần gấp 10 lần giá nước sạch của nhà máy nhưng nhà nào cũng phải mua. Mỗi hộ phải mua từ 2-3 khối nước mới đủ dùng cho một tuần.
Ông Trương Hồ, người dân xã An Cư, huyện Tuy An, than thở trời nắng nóng, gia đình tôi phải dùng nước nhiều. Nước phục vụ cho nhu cầu ăn uống, tắm giặt hàng ngày nên không thể thiếu. Có giếng, nước mưa đỡ hơn nhưng giờ đây cũng khô cạn hết. Mỗi tháng, gia đình phải chi thêm từ 300.000-350.000 đồng để mua nước. Ở nông thôn, khoản tiền này không phải là nhỏ.
Ông Trần Đình Nam, xã An Cư, Tuy An chia sẻ xung quanh đây có 10 hộ, tất cả đều phải mua nước, giá cao vẫn phải mua vì không mua sẽ không có nước dùng. Thời tiết cứ nắng hạn kéo dài thế này, người dân sẽ rất khốn khổ.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân xã An Cư, hơn 2 tháng nay, nhiều giếng nước của hộ gia đình và giếng nước công cộng bị khô cạn hoặc nhiễm phèn, nhiễm mặn.
Trong khi đó, công trình cấp nước tập trung của xã đặt tại thôn Phước Lương xuống cấp, hư hỏng nặng, chỉ cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho 320/1.700 hộ dân ở các thôn Phước Lương, Phú Tân I và Phú Tân II.
Hiện phần lớn hộ dân ở xã An Cư phải bố trí công lao động đến các vùng lân cận chở nước về hoặc phải mua nước sạch từ nơi khác chở đến bán với giá khá cao, từ 40.000 - 60.000 đồng/m3 để phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Ông Tiếu Văn Cừ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Cư, huyện Tuy An cho biết: Nếu không có giải pháp căn cơ, việc thiếu nước sẽ càng trở nên trầm trọng, người dân sẽ càng khó khăn trong sinh hoạt.
Hiện tại, Ủy ban nhân dân xã đã vận động bà con sử dụng nước tiết kiệm, tận dụng các giếng khơi còn nước để sử dụng, đồng thời kêu gọi mọi người cùng nhau chia sẻ, điều tiết nguồn nước.
Ủy ban nhân dân xã kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện Tuy An trích nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ 1,8 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch tập trung Phước Lương.
Do nắng nóng kéo dài, ngoài khu vực xã An Cư, huyện Tuy An, một số nơi của tỉnh Phú Yên cũng có nguy cơ bị thiếu nước như xã Phước Tân, Cà Lúi, Ea Chà Rang, Krong Pa, huyện Sơn Hòa; thị trấn Hai Riêng, Ea bar, Ea Lâm, huyện Sông Hinh; xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân và các xã Cao Phong, Xuân Thành, thị xã Sông Cầu...
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh đã làm việc và yêu cầu công ty cấp nước, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động có phương án cấp nước sạch cho những vùng thường xuyên thiếu nước. Ưu tiên hàng đầu là tận dụng nguồn nước ngầm có sẵn, nguồn nước tại chỗ. Về lâu dài phải khảo sát, đầu tư xây dựng các công trình cấp nước có quy mô phù hợp và mang tính chất cấp nước liên vùng phù hợp với quy hoạch khu dân cư./.