Đợt nắng nóng kéo dài trên địa bàn các tỉnh miền Bắc và miền Trung trong vòng một tuần qua đã khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng đột biến.
[Nắng nóng gay gắt, tiêu thụ điện tại miền Bắc lập kỷ lục mới]
"Nóng" tổng đài Trung tâm chăm sóc khách hàng
Theo báo cáo của Tổng Công ty điện lực Hà Nội, trong 2 ngày 27/6 và 28/6, tiêu thụ điện trên địa bàn thành phố bắt đầu có chiều hướng tăng mạnh.
Liên tiếp những ngày sau đó, kể từ ngày 29/6, sản lượng điện tiêu thụ đã vượt 68,3 triệu kWh và lập kỷ lục vào ngày 5/7 khi lên tới 86,5 triệu kWh.
Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, mặc dù công suất phụ tải đỉnh ngày 4/7/2018 của hệ thống điện toàn quốc chưa vượt qua ngày hôm trước nhưng sản lượng tiêu thụ điện đã thiết lập kỷ lục mới với con số 725 triệu kWh.
Đối với các tỉnh miền Bắc, công suất phụ tải đỉnh hệ thống điện đạt 17.149 MW, sản lượng điện tiêu thụ cũng lên tới 363,8 triệu kWh.
"Cả hai số liệu này của miền Bắc vào ngày 4/7 đều là những con số cao nhất từ trước đến nay," đại diện EVN cho hay.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc khách hàng Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết, do nắng nóng gay gắt, số lượng yêu cầu của khách hàng qua tổng đài 19006769 và các kênh khác như: Zalo, Facebook, email,... đều tăng cao.
Còn tại Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội, theo bà Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm, số cuộc gọi của khách hàng trong 3 ngày đầu tháng 7/2018 đến tổng đài 19001288 đã tăng đột biến.
"Nếu ngày 1/7 có 1.269 cuộc thì đến ngày 3/7 đã tiếp nhận 6.104 cuộc. Trung tâm cũng đã xây dựng phương án huy động lực lượng để tiếp nhận và xử lý các yêu cầu của khách hàng 24/24h," bà Nguyễn Hoàng Anh nói.
Đảm bảo lưới điện vận hành an toàn
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Xuân Khôi, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 (PTC 1) cho biết, do nắng nóng gay gắt trên diện rộng, sản lượng điện truyền tải liên tục phá kỷ lục qua từng ngày.
Cụ thể, sản lượng điện truyền tải trong ngày cao nhất đến thời điểm này là ngày 4/7 với 293,41 triệu kWh. Con số này cao hơn nhiều so với tháng 6 vừa qua (234,34 triệu kWh), đồng thời tăng 113,5% so với sản lượng truyền tải đỉnh của năm 2017 (258,45 triệu kWh ngày 5/6/2017).
Diễn biến này cũng khiến lưới điện do PTC 1 quản lý luôn vận hành trong tình trạng đầy tải và quá tải như: Các đường dây 220 kV từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đi các tỉnh; các tuyến 220 kV Nho Quan - Phủ Lý, Đồng Hòa - Thái Bình; các đường dây 500 kV truyền tải Bắc - Nam; các máy biến áp tại TBA 500 kV Thường Tín, Hiệp Hòa, Phố Nối,...
Tuy vậy, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên lưới điện siêu cao áp của PTC 1 vẫn đang vận hành an toàn, liên tục và ổn định.
Cũng theo lãnh đạo PTC1, Công ty đã lập phương án đảm bảo cung cấp điện mùa nắng nóng từ cấp Công ty đến các truyền tải điện, trạm biến áp 500 kV, đội truyền tải điện, qua đó nêu rõ các giải pháp đảm bảo cung cấp điện, các kịch bản xử lý sự cố chi tiết từng trạm biến áp, đường dây; luôn sẵn sàng chuẩn bị vật tư, nhân lực đầy đủ để tiến hành sửa chữa, thay thế thiết bị khi cần thiết.
Công ty cũng yêu cầu khi đường dây mang tải từ 80% trở lên, toàn bộ lực lượng vận hành phải ra tuyến để kiểm tra, đồng thời trực tại những khu vực đường dây có độ võng cao. Lực lượng điều độ của Công ty có trách nhiệm kịp thời báo cáo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và Điều độ Hệ thống điện miền Bắc để điều tiết giảm tải cho những đường dây có nguy cơ quá tải.
Để đảm bảo cho các đường dây, máy biến áp vận hành an toàn khi mang tải cao trong thời tiết nắng nóng, Công ty đã yêu cầu các đơn vị theo dõi mức mang tải của các đường dây, máy biến áp thuộc đơn vị quản lý; tăng cường kiểm tra, cử người canh gác thường xuyên các điểm xung yếu của các đường dây 220 kV, 500 kV có khoảng cách pha đất thấp, tập trung tối đa đảm bảo lưới điện vận hành an toàn liên tục, ổn định./.