Ngày 16/12, cảnh sát thủ đô Brussels của Bỉ đã phải sử dụng vòi rồng và hơi cay trấn áp những đối tượng quá khích gây bạo loạn đường phố sau khi hàng nghìn người xuống đường tuần hành phản đối và ủng hộ thỏa thuận về di cư của Liên hợp quốc.
Ước tính có khoảng 5.500 người đã tuần hành và tập trung trước trụ sở các cơ quan của Liên minh châu Âu (EU) đặt tại Brussels, giương cao nhiều biểu ngữ yêu cầu đóng cửa biên giới, bảo vệ quyền lợi của người dân EU trước tiên.
Một số người biểu tình thậm chí còn yêu cầu Thủ tướng Bỉ Charles Michel từ chức, trong khi nhiều đảng đối lập kêu gọi chính phủ nước này tiến hành một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.
[Tổng thống Mỹ dọa đóng cửa chính phủ vì lý do an ninh biên giới]
Hãng thông tấn Belga đưa tin trước tình hình người biểu tình đốt pháo và ném lựu đạn, cảnh sát đã sử dụng vòi rồng và hơi cay giải tán đám đông, đồng thời bắt giữ 90 đối tượng quá khích.
Hoạt động biểu tình do các nhóm cực hữu vùng Flanders, trong đó có đảng Vlaams Belang, khởi xướng, kêu gọi phản đối Hiệp ước Toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) do lo ngại động thái này có nguy cơ làm gia tăng dòng người di cư.
Cùng ngày, hơn 1.000 người khác, hưởng ứng lời kêu gọi của các nhóm cánh tả và các tổ chức từ thiện, lại tham gia tuần hành hòa bình ở trung tâm thủ đô Brussels phản đối biểu tình, ủng hộ GCM.
Hôm 10/12 vừa qua, tại Hội nghị Liên hợp quốc ở thành phố Marrakesh của Maroc, hơn 150 quốc gia đã phê chuẩn GCM, trong đó điều chỉnh cách tiếp cận quốc tế hiệu quả đối với vấn đề hiện đang gây chia rẽ sâu sắc cả trong và ngoài EU.
Hiệp ước đặt ra 23 mục tiêu đảm bảo di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn trong bối cảnh số người di cư trên toàn thế giới đã tăng lên mức 250 triệu người, tương đương 3% dân số toàn thế giới.
Hiệp ước bao gồm các nội dung như làm cách nào để bảo vệ người di cư, giúp người di cư hòa nhập tại môi trường sống mới hay đưa người di cư trở lại quê nhà.
GCM được xây dựng trên cơ sở Tuyên bố New York về người di cư và người tị nạn được thông qua tại Phiên họp 71 Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9/2016 (Tuyên bố New York).
Sau 18 tháng tham vấn và đàm phán với sự tham gia tích cực và trách nhiệm của đa số quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, cơ quan chuyên môn Liên hợp quốc, tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng kiều dân, người di cư và các bên liên quan, GCM được đánh giá là sự dung hòa mối quan ngại và lợi ích của các quốc gia thành viên, bao trùm tất cả các khía cạnh của di cư, trong đó người di cư là trung tâm.
GCM không mang tính ràng buộc pháp lý, được xây dựng trên cơ sở tôn trọng chủ quyền quốc gia, chia sẻ trách nhiệm, không phân biệt đối xử và các quyền con người cơ bản; đưa ra khuôn khổ tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý di cư vì di cư hợp pháp, an toàn và trật tự phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình Nghị sự 2030.
Hiệp ước ra đời trong bối cảnh làn sóng người di cư đổ tới châu Âu với quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, trong đó đa số trốn chạy khỏi các cuộc xung đột và nạn nghèo đói ở các nước Trung Đông và châu Phi. Đến nay lượng người di cư qua đường biển đã giảm rõ rệt, nhưng "dư chấn chính trị" do làn sóng này gây ra vẫn còn rất nặng nề tại EU.
Tại biên giới Mexico-Mỹ, hàng nghìn người di cư cũng đang chờ cơ hội xin tị nạn tại Mỹ, buộc nước này phải triển khai binh sỹ tới biên giới và tiến hành trấn áp mạnh tay./.