Hàng nghìn thổ dân Indonesia có nguy cơ bị ảnh hưởng do chuyển thủ đô

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thông báo kế hoạch di dời thủ đô Jakarta của nước này đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo, dự kiến bắt đầu từ năm 2024.
Hàng nghìn thổ dân Indonesia có nguy cơ bị ảnh hưởng do chuyển thủ đô ảnh 1Thủ đô của Indonesia chuyển đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo. (Nguồn: Google Maps)

Hàng nghìn thổ dân trên đảo Borneo của Indonesia có thể phải rời khởi mảnh đất tổ tiên khi những cánh rừng rộng lớn trên hòn đảo này bị san phẳng để mở đường cho việc xây dựng thủ đô mới tại đây.

Mới đây, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thông báo kế hoạch di dời thủ đô Jakarta của nước này đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo, dự kiến bắt đầu từ năm 2024.

Tuy nhiên, sự thay đổi này đang làm dấy lên quan ngại về cuộc sống và kế sinh nhai của hàng nghìn người thổ dân địa phương.

[Tổng thống Indonesia công bố địa điểm đặt thủ đô mới]

Theo Nhóm quyền người thiểu số quốc tế (MRGI), tại tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo, nhiều người thổ dân Dayaks đã vật lộn trong nhiều thập kỷ để bảo vệ mảnh đất tổ tiên của họ và các khu rừng khỏi nạn chặt phá rừng, khai mỏ và xây dựng nhà máy dầu cọ.

Tổ chức này cho rằng chính người Dayaks đang là nạn nhân của tình trạng suy thoái môi trường, và việc di dời thủ đô tới tỉnh Đông Kalimantan sẽ càng hủy hoại môi trường sống của nhóm thổ dân này hơn nữa.

Ông Joshua Castellino, Giám đốc điều hành MRGI, nhận định việc từ bỏ thủ đô Jakarta do tình trạng ô nhiễm và dân cư đông đúc là minh chứng cho thấy nơi được chọn làm thủ đô mới cũng sẽ xảy ra các vấn đề tương tự, do đó cần phải tiến hành khảo sát ý kiến trên diện rộng để hiểu rõ sự tác động của kế hoạch này.

Tổ chức Hiệp ước thổ dân châu Á, một nhóm về nhân quyền, cho biết thổ dân tại Đông Kalimantan đã không được tham vấn về kế hoạch xây thủ đô mới trong khi họ chính là người sẽ bị mất đất và kế sinh nhai vì dự án này.

Tổ chức này nhấn mạnh thổ dân đã sống tại đây qua nhiều thế hệ và việc tái định cư không phải là giải pháp tốt, họ không thể kiếm sống nếu bị tách khỏi quê hương của mình.

Không chỉ người thổ dân Dayaks, nhiều cộng đồng cư dân vùng hẻo lánh và thổ dân khác tại khắp Indonesia đang đấu tranh bảo vệ khu đất tổ tiên của mình.

Trước đó, Tổng thống Joko Widodo đã từng cam kết trả lại 12,7 triệu ha rừng cho người thổ dân theo một phán quyết của tòa án hồi năm 2013, song tiến trình này diễn ra rất chậm.

Theo Tổng thống Widodo, chính phủ hiện đang thực hiện nghiên cứu tiền khả thi của việc di dời này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kế hoạch Indonesia Bambang Brodjonegoro cho biết chính phủ đã thực hiện những đánh giá về nhân loại học và sẽ tiến hành thu hồi đất từ năm 2020.

Trong kế hoạch di dời thủ đô, giới chức Indonesia cho hay đã quy hoạch 180.000  ha đất tại tỉnh Đông Kalimantan dành riêng cho việc xây dựng thủ đô mới.

Giám đốc Viện các nguồn tài nguyên thế giới Indonesia Nirarta Samadhi chỉ rõ điều này đồng nghĩa với việc nhiều khu rừng nguyên vẹn và các vùng đất than bùn sẽ bị phá hủy để phục vụ cho kế hoạch thành lập thủ đô mới.

Ông cảnh báo đối với một khu vực vốn đang chứng kiến nạn phá rừng nghiêm trọng, việc phá hủy vùng đất than bùn sẽ sản sinh lượng lớn khí  thải, song song với đó, đất than bùn sau khi khô có khả năng gây cháy, dẫn tới những tác động nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế và môi trường.

Ông cho rằng kế hoạch xây dựng thủ đô mới cần có đánh giá tác động môi trường cũng như đề xuất các biện pháp thích nghi và làm giảm nhẹ tác động tiêu cực.

Dự kiến, kế hoạch di dời thủ đô khỏi Jakarta sẽ tiêu tốn 466.000 tỷ rupiah (32,79 tỷ USD), trong đó chính phủ sẽ cấp 19% số kinh phí, số còn lại do các đối tác trong khu vực công và tư nhân đầu tư.

Từng là cố đô của vương quốc Sunda thời trung cổ, sau đó là thành phố cảng Batavia trong thời thực dân Hà Lan, rồi trở thành thủ đô vào thập niên 1940 khi Indonesia tuyên bố độc lập, hiện tại Jakarta là thành phố lớn nhất ở Indonesia với dân số 9,6 triệu người, song vùng đô thị Jakarta có dân số gần 30 triệu người.

Do địa thế thấp, thủ đô lớn hàng đầu thế giới này đang chìm dần dưới mực nước biển, trung bình 18 cm mỗi năm.

Tình trạng ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại Jakarta, ước tính mỗi năm gây thiệt hại kinh tế tới 7,04 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.