Hãng thời trang GAP sẽ đóng cửa toàn bộ cửa hàng tại Anh và Ireland

Tổng cộng 81 cửa hàng của GAP sẽ phải đóng cửa. Vẫn chưa rõ sẽ có bao nhiêu nhân viên bị ảnh hưởng, song GAP khẳng định sẽ hỗ trợ và giúp nhân viên tìm kiếm công việc mới.
Một cửa hàng của GAP tai phố Oxford, thủ đô London của Anh. (Nguồn: Alamy)

Lĩnh vực bán lẻ của Vương quốc Anh đã nhận thêm một cú sốc mới sau khi hãng thời trang GAP, biểu tượng một thời của nước này, thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ cửa hàng của mình tại Anh vào cuối năm nay, trong bối cảnh hãng này chuyển hoạt động sang kinh doanh trực tuyến.

Việc đóng cửa sẽ diễn ra theo từng giai đoạn vào cuối tháng 9/2021 và bao gồm các cửa hàng của GAP tại Ireland.

Tổng cộng 81 cửa hàng sẽ phải đóng cửa. Vẫn chưa rõ sẽ có bao nhiêu nhân viên bị ảnh hưởng, song GAP khẳng định sẽ hỗ trợ và giúp nhân viên tìm kiếm công việc mới.

Trong một thông báo cuối ngày 30/6, GAP cho biết hoạt động kinh doanh trực tuyến sẽ vẫn diễn ra. GAP bày tỏ ý định muốn trở thành “doanh nghiệp kỹ thuật số đầu tiên.”

[6 xu hướng thời trang mùa dịch làm thay đổi quy chuẩn ăn mặc]

Nhà bán lẻ này, đã hoạt động ở Anh từ năm 1987 và ở Ireland từ năm 2006, là một trong những biểu tượng của ngành thời trang nước Anh, với phong cách “áo phông và quần jean” đặc trưng, phổ biến trong nhiều thập niên qua.

Những chiếc áo khoác có in tên công ty và denim là những mặt hàng bán chạy nhất của hãng này.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sức hấp dẫn của GAP đã giảm mạnh, do các trang thương mại điện tử khiến các dịch vụ của hãng có phần mờ nhạt.

Đây cũng là cú sốc mới nhất mà dịch COVID-19 gây ra cho nền kinh tế Anh. Chuỗi cửa hàng bách hóa lâu đời Debenhams và Arcadia Group, đế chế bán lẻ của tỷ phú Philip Green, bao gồm Topshop, là hai trong số những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong những tháng gần đây.

Năm 2020, Anh đã trải qua một trong những cuộc suy thoái sâu sắc nhất thế giới sau khi các biện pháp hạn chế được áp dụng.

Mặc dù các biện pháp này sau đó đã dần được nới lỏng, giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, song nhiều người vẫn đang đặt câu hỏi về tương lai của ngành bán lẻ khi có quá nhiều hoạt động mua sắm trực tuyến hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục