Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhằm đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, các cơ sở y tế đã chuẩn bị sẵn sàng phương án, nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế… với phương châm cứu người là trên hết, lực lượng y tế tại các cơ sở y tế xác định Tết vẫn làm việc như ngày thường.
Các bệnh viện đã sẵn sàng nhiều tình huống
Tại Hà Nội, các bệnh viện tuyến cuối và cơ sở y tế trên địa bàn đã bố trí đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Ông Trịnh Ngọc Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết trung bình mỗi ngày, bệnh viện đón tiếp khoảng 4.000 bệnh nhi tới khám và có khoảng 2.000 bệnh nhi đang điều trị nội trú tại Bệnh viện. Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, tại Bệnh viện có khoảng 1.000-1.200 bệnh nhi phải ở lại bệnh viện đón Tết do đang trong quá trình điều trị.
Bộ Y tế: Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo có nguy cơ lây lan các biến thể mới
Dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam dự báo vẫn diễn biến khó lường và tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi.
Bệnh viện Nhi Trung ương đã triển khai công tác cấp cứu dịp Tết đến tất cả các phòng, ban, khoa, đặc biệt là Khoa Cấp cứu. Có khoảng 700 cán bộ nhân viên của bệnh viện trực mỗi ngày, gồm cả bác sĩ và điều dưỡng để theo dõi chăm sóc cho các bệnh nhân.
Nhằm chăm lo đời sống cho bệnh nhân nhi ở lại đón Tết trong bệnh viện, Bệnh viện sẽ hỗ trợ bệnh nhân các suất ăn miễn phí trong các ngày Tết.
Tiến sĩ Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E chia sẻ, về công tác khám chữa bệnh trong dịp Tết, Bệnh viện đã lập danh sách bác sĩ trực, chuẩn bị dự phòng đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, lên phương án triển khai cấp cứu thảm họa. Ngoài việc bảo đảm công tác điều trị nội trú cho số bệnh nhân nặng không thể về nhà dịp Tết, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân sự cấp cứu nội-ngoại viện luôn trong tư thế sẵn sàng khi có lệnh điều động.
Bệnh viện đã xây dựng phương án điều động nhân sự, kế hoạch, phương án chi tiết và tổ chức thực hiện. Đặc biệt, các đơn vị cũng quán triệt cán bộ y tế nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người bệnh đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm điều kiện thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết.
Bệnh viện E bên cạnh công tác đảm bảo trực tại các khoa điều trị và trực cấp cứu người bệnh kịp thời, bệnh viện đã xây dựng phương án hỗ trợ suất ăn miễn phí cho người bệnh và người chăm sóc trong dịp Tết Nguyên đán trong 3 ngày Tết (từ 30 tết - mồng 2 Tết Giáp Thìn 2024). Tuỳ theo điều kiện và thời gian, Bệnh viện hỗ trợ cho từng người bệnh cũng như người chăm sóc lưu trú tại khoa điều trị.
Phó giáo sư Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh Bạch Mai cho biết Bệnh viện đã lên kế hoạch phục vụ bệnh nhân với sự chuẩn bị chu đáo. Ngoài việc tổ chức trực Tết theo 4 cấp gồm lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo các khoa phòng, các bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp thực hiện chuyên môn, Bệnh viện cũng yêu cầu tập trung cao độ lực lượng ở khu vực cấp cứu, khu vực đột quỵ, trung tâm chống độc, tim mạch… Đây là những nơi rất quan trọng vì tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân ban đầu.
Tại 40 đơn vị trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai có các bệnh nhân trong tình trạng nặng phải ở lại điều trị, con số trung bình lên tới gần 1.000 người/ngày, nhiều bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa. Để cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân tốt nhất, bệnh viện phải huy động hơn 600 nhân lực chất lượng cao từ các y bác sĩ, điều dưỡng đến các cán bộ nhân viên y tế ứng trực thường xuyên trong các ngày Tết.
Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đức Long cho biết là bệnh viện hạng I của Hà Nội với 7 chuyên khoa đầu ngành, có quy mô 870 giường bệnh với hơn 1.000 nhân viên. Bệnh viện đã phân công lịch trực 24/24 giờ đối với lãnh đạo, nhân viên trong những ngày nghỉ Tết đồng thời, yêu cầu các êkíp trực tuyệt đối không chủ quan, lơ là, phải tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Đặc biệt, Bệnh viện đã lên kế hoạch về phòng, chống cháy nổ, thảm họa, tai nạn hàng loạt, phòng, chống rét cho người bệnh...
Kiểm tra đột xuất nhiều điểm
Để sẵn sàng cho hoạt động khám chữa bệnh dịp Tết, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện rà soát lại cơ số thuốc, vật tư y tế, đặc biệt là thuốc liên quan đến cấp cứu, bảo đảm duy trì 24/24 giờ, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh người dân xuyên suốt Tết. Đặc biệt là bảo đảm việc cấp cứu và điều trị không bị gián đoạn, chú trọng xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trong dịp Tết.
Một trong những nội dung được Bộ Y tế nhấn mạnh là ngoài bảo đảm việc cấp cứu và điều trị không bị gián đoạn, chú trọng xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trong dịp Tết.
Ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết trước và trong Tết, Sở sẽ kiểm tra đột xuất các ê-kíp trực cấp cứu tại những điểm bắn pháo hoa và thường trực cấp cứu của một số bệnh viện.
Trong những ngày nghỉ Tết, ngành y tế Hà Nội đã bố trí 114 điểm bán thuốc trong bệnh viện và tại các quận, huyện, thị xã. Sở yêu cầu các đơn vị bảo đảm cung ứng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng thuốc của người dân, không lợi dụng dịp Tết để tăng giá thuốc. Ngoài ra, các đơn vị y tế cử người và bố trí các kíp trực cấp cứu tại những điểm bắn pháo hoa, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, trực cấp cứu 24/24 giờ trong những ngày nghỉ Tết và chuẩn bị sẵn đội cấp cứu lưu động…
Đối với công tác hỗ trợ vận chuyển người bệnh, cấp cứu ngoại viện, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội là thường trực bố trí nhân lực, phương tiện đảm bảo công tác cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh an toàn; sẵn sàng ứng trực, phối hợp xử trí trong các tình huống khẩn cấp, thiên tai, thảm họa; phối hợp, hướng dẫn các đơn vị trong việc đáp ứng cấp cứu ngoại viện./.