Khủng hoảng lãnh đạo Các chuyên gia truyền thông và chính những nhà báo của BBC nói hãng tin cần nhanh chóng khôi phục sự tin cậy vào tin tức của hãng và cho công chúng thấy ai đó đủ sức kiểm soát tình hình trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ. “BBC đang tỏ ra mất kiểm soát. Có vẻ như không có ai đang điều hành hãng tin,” Steve Hewlett, một nhà bình luận tự do đảm trách một chương trình về truyền thông của đài phát thanh BBC, nói với AFP. Hai vụ việc diễn ra liên tiếp kéo theo cuộc khủng hoảng này. Trước hết, Jimmy Savile, một trong những ngôi sao lớn nhất lịch sử đài, bị cáo buộc lạm dụng tình dục nhiều trẻ em khi còn làm việc cho BBC. Sau đó, hãng tin đã cáo buộc sai một chính khách tên tuổi tội xâm hại tình dục trẻ em. Một cuộc điều tra nội bộ cho thấy chương trình Newsnight đã phạm những sai lầm nghiệp vụ báo chí “cơ bản” dẫn tới việc một cựu bộ trưởng tài chính của đảng Bảo thủ bị cáo buộc sai và phải từ chức. Nhân vật này sau đó được xác định là Lord Alistair McAlpine, một chính trị gia chủ chốt của đảng Bảo thủ thời Margaret Thatcher. Ông McAlpine đang cân nhắc có hành động pháp lý chống lại hãng tin. Những cáo buộc không đúng sự thật dẫn tới việc giám đốc điều hành George Entwistle phải từ chức chỉ vài tuần sau khi được bổ nhiệm. Sau đó, giám đốc bộ phận tin tức Helen Boaden và người phó của bà cũng được yêu cầu tạm ngưng chức để đợi điều tra thêm liên quan tới vụ Savile. Cảnh sát nói Savile có thể đã xâm hại hơn 450 nạn nhân trong vài thập kỷ. Khoảng 22.800 nhân viên của BBC sản xuất ra rất nhiều chương trình tin tức và giải trí, cũng như đưa tin về những sự kiện thể thao lớn như Olympic và quần vợt Wimbledon. Đài này được tài trợ bởi nguồn công quỹ, với mỗi năm một gia đình Anh đóng khoảng 145,5 bảng (230 USD) phí cho đài. BBC được tài trợ bởi công quỹ là không còn phù hợp? Danh tiếng của BBC dựa trên sự xác thực và tin cậy trong tin tức của hãng, nên cuộc khủng hoảng Newsnight đe dọa làm xói mòn lòng tin vào BBC, như Chủ tịch hội đồng tín thác BBC Chris Patten đã thừa nhận. “Điều có bản cho vị trí của BBC ở đất nước này là người dân tin tưởng vào hãng tin,” Patten nói. “Nếu BBC mất điều đó, thì mọi việc cũng sẽ chấm dứt”. Patten, thủ hiến cuối cùng của Anh tại Hong Kong, cam kết “thay đổi triệt để” cách vận hành hãng tin và chỉ nửa đùa khi bình luận BBC có nhiều lãnh đạo cấp cao hơn cả Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các nhà báo ở bộ phận chuyên môn 6.000 người của BBC than phiền rằng quá nhiều tầng lớp quản lý trong nhiều thập kỷ qua đã khiến quá trình ra quyết định trở nên không còn rõ ràng. Người hiện đang làm quyền tổng giám đốc do sự bổ nhiệm của Patten, Tim Davie, nói ông sẽ đơn giản hóa quy trình ra quyết định để tránh lặp lại những sai lầm như vụ Newsnight.
David Patten cam kết “thay đổi triệt để” cách vận hành hãng tin BBC (Nguồn: AFP)