Hãng xe Renault của Pháp khẳng định duy trì kinh doanh tại Iran

Các công ty như hãng sản xuất máy bay Beoing, tập đoàn năng lượng Total của Pháp, công ty vận tải Maersk của Đan Mạch đều đã thông báo kế hoạch rút luy khỏi Iran.
Trụ sở Hãng sản xuất xơ hơi Renault ở gần Paris, Pháp. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 16/6, hãng xe Renault của Pháp sẽ duy trì hiện diện ở Iran trong khi thực hiện các biện pháp nhằm tránh nguy cơ bị phạt do vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Phát biểu tại cuộc họp cổ đông ở thủ đô Paris của Pháp, Giám đốc điều hành Carlos Ghosn nêu rõ Renault sẽ không từ bỏ kinh doanh tại Iran dù phải giảm mạnh quy mô hoạt động.

Theo ông Ghosn, khi thị trường Iran mở của trở lại, việc Renault tiếp tục kinh doanh tại Iran sẽ là một lợi thế.

Giám đốc Ghosn nhận định công ty này có tương lai tại Iran, đồng thời nêu rõ ban lãnh đạo hãng sẽ theo dõi tình hình chặt chẽ để đảm bảo sự hiện diện của doanh nghiệp này tại Iran không dẫn đến các lệnh trừng phạt trực tiếp hoặc gián tiếp từ Mỹ.

Renault đang liên lạc với nhà chức trách Mỹ để xác định rõ những quy định về hoạt động tại Iran.

Năm ngoái, Renault đã bán ra 160.000 xe tại Iran trong tổng số 3,76 triệu xe hãng sản xuất.

Theo thỏa thuận hạt nhân, được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký kết năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5+1, các biện pháp trừng phạt Iran liên quan chương trình hạt nhân của nước này dần được dỡ bỏ để đổi lấy việc Tehran bảo đảm tính chất hòa bình của các hoạt động hạt nhân.

Thỏa thuận quy định Iran có quyền xây dựng và thử nghiệm một số máy ly tâm làm giàu urani, mặc dù hạn chế về chủng loại và số lượng máy trong 10 năm đầu thực hiện thỏa thuận. Ngoài ra, Tehran chỉ được làm giàu urani ở mức 3,67%.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/5 vừa qua tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA, đồng thời Nhà Trắng quyết định áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ trước đó đối với Iran.

Mặc dù các bên còn lại trong thỏa thuận cam kết vẫn tuân thủ JCPOA, song nhiều công ty của các nước này đã bắt đầu thu hẹp hoạt động tại Iran để hạn chế những thiệt hại do có thể vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các công ty như hãng sản xuất máy bay Beoing, tập đoàn năng lượng Total của Pháp, công ty vận tải Maersk của Đan Mạch đều đã thông báo kế hoạch rút lui, trong khi hãng Nike đã ngừng cung cấp giày cho đội tuyển bóng đá của Iran.

Tập đoàn chế tạo ôtô PSA của Pháp, hãng xe hơi lớn thứ hai ở châu Âu, cũng đã xác nhận rút khỏi nước Cộng hòa Hồi giáo này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục