Hành khách gửi đơn kiện Boeing sau sự cố bung cửa máy bay 737 Max 9

Nguyên đơn gồm sáu hành khách trên chuyến bay của hãng Alaska Airlines đã gửi đơn kiện Boeing vì những tổn thương thân thể và tinh thần sau sự cố bung cửa máy bay Boeing 737 Max 9.
Máy bay Boeing 737 Max 9 của Hãng hàng không Alaska Airlines tại sân bay quốc tế Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 11/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các hành khách trên chuyến bay 1282 của hãng hàng không Alaska Airlines đã kiện Boeing sau khi một cửa sổ trên chiếc máy bay Boeing 737 Max 9 bị bung ra giữa chuyến bay, gây ra tình trạng giảm áp nhanh chóng trong cabin và buộc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp.

Đơn khiếu nại được đệ trình hôm 11/1 tại tòa án Seattle, trong đó nguyên đơn gồm sáu hành khách và một thành viên gia đình.

Họ cho biết vụ việc ngày 5/1 đã gây ra những thương tích, bao gồm chấn động, bầm tím, khó thở và chảy máu tai cũng như tổn thương tinh thần.

Các nguyên đơn cũng cáo buộc nhiều mặt nạ dưỡng khí trên máy bay dường như không hoạt động.

Hãng hàng không Alaska Airlines không bị nêu tên là bị đơn trong vụ án. Hãng đã đưa ra lời xin lỗi với các hành khách, hoàn lại toàn bộ tiền vé và đền bù 1.500 USD mỗi người “để hỗ trợ mọi bất tiện.”

Theo hồ sơ tòa án, quá trình giảm áp trong cabin do lỗ thủng trên thấy máy bay đã xé toạc chiếc áo sơmi của một cậu bé và hút một số điện thoại di động ra khỏi máy bay.

Mặc dù sau đó máy bay đã quay trở lại sân bay an toàn, sự việc này khiến một số hành khách bị bầm tím, chảy máu tai, kết hợp với lượng oxy thấp, tiếng gió lớn và chấn thương cũng gây ra những cơn đau đầu dữ dội.

Phần thân máy bay Boeing 737 MAX 9 mang số hiệu 1282 của Hãng Alaska Airlines bị bung trong quá trình bay, tại Portland, Oregon ngày 7/1/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hồ sơ cũng cho biết nhiều mặt nạ dưỡng khí dường như không hoạt động và các tiếp viên hàng không đã cố gắng mang bình oxy cho một số hành khách, nhưng không hoặc không thể giúp đỡ tất cả mọi người gặp vấn đề với mặt nạ dưỡng khí.

Trước đó, Giám đốc điều hành (CEO) của Boeing, ông Dave Calhoun ngày 9/1 đã nhận trách nhiệm về sự cố máy bay 737 MAX 9, đồng thời cam kết hãng sẽ "hoàn toàn minh bạch" trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Phát biểu trước các nhân viên của Boeing tại một cuộc họp về vấn đề an toàn máy bay, CEO Dave Calhoun thừa nhận sự cố xảy ra là "lỗi của chúng ta" và hãng sẽ phối hợp với các nhà quản lý để đảm bảo lỗi này "không bao giờ xảy ra một lần nữa."

Ông cũng nêu rõ các phát hiện liên quan sự cố đang được xử lý theo hướng "vấn đề về kiểm soát chất lượng," đồng thời khẳng định Boeing sẽ tiếp cận vấn đề này một cách "hoàn toàn minh bạch."

Tuyên bố nói trên là sự nhận lỗi công khai đầu tiên của Boeing sau sự cố của máy bay 737 MAX 9.

Theo kết quả điều tra ban đầu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB), dòng máy bay 737 MAX 9 được thiết kế một cánh cửa để có thể dùng làm lối thoát hiểm trong trường hợp các hãng hàng không muốn lắp thêm ghế ngồi để chở nhiều hành khách hơn.

Tuy nhiên, cánh cửa này đã bị bung trong quá trình bay dẫn đến sự cố thủng một phần thân máy bay.

Boeing đã nhận trách nhiệm về sự cố máy bay 737 MAX 9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoài ra, các chuyên gia của Alaska Airlines và United Airlines - một hãng hàng không khác của Mỹ cũng sử dụng máy bay 737 MAX 9 - ngày 8/1 đã phát hiện các bulông trên chốt cửa của một số máy bay Boeing 737 MAX 9 bị lỏng.

Theo một số chuyên gia, vấn đề này có thể do sai sót trong khâu chế tạo hoặc kiểm duyệt chất lượng.

Cục Hàng không Mỹ (FAA) đã tiến hành điều tra những sai sót tiềm ẩn trong quy trình sản xuất của hãng Boeing.

Trong một lá thư gửi cho Boeing ngày 11/1, FAA cho biết họ sẽ kiểm tra các quy trình của Boeing để đảm bảo máy bay của hãng này an toàn khi bay.

Sau sự cố trên, hãng hàng không Alaska đã hủy tất cả các chuyến bay Boeing 737 MAX 9 cho đến ngày 13/1 tới. Nhiều hãng hàng không trên thế giới cũng dừng bay đối với các máy bay Boeing 737 MAX 9 để kiểm tra vấn đề an toàn.

Vụ việc này đã làm gia tăng khó khăn với Boeing, cản trở quá trình phục hồi của tập đoàn sản xuất máy bay này sau đợt dừng khai thác kéo dài đối với dòng 737 MAX trước đó, cùng tình trạng gián đoạn hoạt động do đại dịch COVID-19.

Boeing đang chịu áp lực phải thu hẹp khoảng cách với Airbus khi đối thủ đến từ châu Âu đã mở rộng thị phần kể từ sau hai vụ tai nạn liên quan tới máy bay dòng MAX của Boeing hồi năm 2018 và 2019 khiến gần 350 người thiệt mạng, kéo theo lệnh cấm khai thác trên toàn thế giới trong 20 tháng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục