Hành trình tiếp tế nước sạch cho người Việt trong vùng động đất ở Nhật Bản

Với sự hỗ trợ của chính quyền, doanh nghiệp sở tại, Đại sứ quán và các cộng đồng người Việt ở Nhật Bản, người Việt Nam sinh sống tại đây bước đầu được đáp ứng nhu cầu cơ bản về thực phẩm và nước uống.

Một nhóm tình nguyện mua đồ tại siêu thị để chuẩn bị cho việc tiếp tế cho những người Việt ở vùng bị động đất. (Ảnh: TTXVN phát)
Một nhóm tình nguyện mua đồ tại siêu thị để chuẩn bị cho việc tiếp tế cho những người Việt ở vùng bị động đất. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong bối cảnh, Chính phủ Nhật Bản đang chạy đua với thời gian để thực hiện công tác cứu hộ, cứu trợ và khắc phục hậu quả động đất, nhiều người Việt Nam sinh sống tại các địa phương lân cận tỉnh Ishikawa tiếp tục nỗ lực hỗ trợ cho những người đồng bào đang gặp khó khăn tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của động đất.

Nhu cầu thiết yếu nhất hiện nay của người dân ở vùng động đất là nước sạch do hệ thống cấp nước bị hư hại, cho đến ngày 5/1 vẫn chưa được khôi phục.

Tối 4/1, sau khi tập hợp thông tin về nhu cầu của những người Việt ở khu vực gần tâm chấn, một nhóm tình nguyện viên ở thành phố Komatsu, tỉnh Ishikawa đã khẩn trương chuẩn bị, phân công mua hàng hóa, tập kết tại cửa hàng của gia đình anh Nguyễn Chí Thành Được.

Nhu yếu phẩm chính được đưa vào vùng cứu trợ lần này nhiều nhất, nặng nhất và cồng kềnh nhất là những can nước sạch, các thùng nước đóng chai, tiếp đó là thực phẩm gồm mỳ ăn liền, cơm ăn liền và các loại vật dụng như bát, đũa sử dụng một lần.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, anh Được cho biết để đảm bảo việc tiếp tế hiệu quả và kịp thời, anh cùng với các bạn trong nhóm đã kết nối với những người Việt đang cần giúp đỡ, khảo sát nhu cầu xem họ cần gì nhất trong hoàn cảnh hiện nay và cũng để cân nhắc xem nhóm của anh có thể đáp ứng được đến mức độ nào.

tap-ket-hang-cuu-tro-7157.jpg
Tập kết hàng cứu trợ. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Anh cho biết có khá nhiều người Việt ở khắp nơi trên Nhật Bản liên hệ với anh, bày tỏ muốn ủng hộ cộng đồng bằng cách gửi thực phẩm như bánh chưng, cơm nắm…

Anh Được cho rằng để hạn chế việc gửi đồ cứu trợ đến quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng thừa và lãng phí, anh đã đề nghị mọi người chờ chuyến đi thực tế của nhóm trong ngày 5/1 rồi sẽ thông báo về nhu cầu của những người cần hỗ trợ.

Gần như cả đêm 4/1, nhóm tình nguyện viên sắp xếp hàng hóa lên xe để rạng sáng ngày 5/1 xuất phát đến các điểm cần hỗ trợ.

Hành trình đem nước và thực phẩm đến cho những người Việt Nam gần khu vực tâm chấn khá vất vả. Nhóm tình nguyện gồm 10 người đi theo Quốc lộ Số 8, xuất phát từ 5h sáng khi trời còn tối và nhiệt độ ngoài trời khoảng 3 độ C.

Quãng đường cần di chuyển vào khoảng 100km, nhiều đoạn sụt lún. Có những đoạn đường bị hỏng nặng chỉ có xe ôtô nhỏ mới có thể đi qua. Tuyến đường cao tốc bị chặn nhiều đoạn.

Hầu hết đường cao tốc đều bám dọc bờ biển và vẫn còn nguy cơ xảy ra dư chấn nên nhóm đã quyết định không đi đường cao tốc. Thay vào đó, nhóm đi theo đường quốc lộ thông thường, tuy quãng đường di chuyển sẽ dài hơn nhưng độ an toàn cao hơn vì không ở ven biển hay ven núi, không có nguy cơ bị sóng thần hay sạt lở đất.

nuoc-sach-quan-trong-nhat-7055.jpg

Theo phản ánh của nhóm, ngoài việc nhiều nhà cửa hai bên đường bị đổ sập vẫn còn ngổn ngang, hầu như các tuyến đường quốc lộ đã được dọn dẹp và sửa chữa tạm thời để đảm bảo giao thông liền mạch.

Sau hơn bốn giờ di chuyển bằng ôtô, nhóm tình nguyện đã tiếp cận được địa điểm có 19 lao động nữ Việt Nam sinh sống. Khi nhóm tình nguyện đến, câu chuyện đầu tiên các bạn nữ nói là “chúng em rất cần nước, vì cho đến nay hệ thống cấp nước vẫn chưa hoạt động.”

Đến ngày 5/1, ngoài khu vực tâm chấn vẫn bị cô lập, nhiều điểm ở thành phố Wakura Onsen gần tâm chấn không còn tình trạng khan hiếm thực phẩm.

Một lao động nữ cho biết đến ngày 5/1, các bạn đã nhận được sự hỗ trợ từ công ty và cộng đồng người Việt từ Ishikawa.

Nhờ đường sá đã được dọn dẹp nên một số siêu thị và cửa hàng tiện lợi đã bắt đầu mở cửa trở lại. Các lao động nữ Việt Nam đã được công ty hỗ trợ thực phẩm cũng như có thể mua sắm đồ ăn từ các siêu thị. Tuy nhiên, nước vẫn là câu chuyện khó khăn.

nhung-can-nuoc-sach-5805.jpg
Nước sạch là mặt hàng quan trọng nhất lúc này. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Các bạn đã huy động tất cả những thứ có thể dùng để đựng nước để nhận nước sạch từ nhóm tình nguyện. Thậm chí máy giặt hỏng cũng được các bạn trưng dụng, dùng túi nilon cỡ lớn cho vào lồng giặt, biến lồng giặt thành một xô chứa nước sạch.

Các lao động Việt Nam chia sẻ mọi người đều ý thức được tình hình khó khăn chung nên rất có ý thức tự lực, động viên nhau sử dụng nước tiết kiệm.

Chị Nguyễn Thị Thu, một thực tập sinh ở Ishikawa, cũng nói rằng nước đang là nhu cầu cấp thiết. Chị cho biết thực phẩm không còn khan hiếm nữa nhưng nước vẫn là thứ phải dùng một cách dè xẻn trong tình hình hiện nay.

Công ty của chị đang sửa chữa những cơ sở vật chất thiệt hại và thông tin ban đầu cho biết công ty có thể phải tạm ngừng hoạt động đến hết tháng Hai. Một số lao động của công ty khác cho biết họ vẫn đang chờ thông báo từ công ty nên chưa rõ ngày nào sẽ đi làm bình thường trở lại.

Có thể nói, cuộc sống ở vùng ven khu vực tâm chấn tỉnh Ishikawa đang dần được khôi phục. Mặc dù vẫn còn nhiều nơi ngổn ngang những tòa nhà, ngôi nhà bị đổ sập trong động đất song siêu thị, cửa hàng đã bắt đầu hoạt động trở lại.

tiep-te-mi-an-lien-5031.jpg
Thực phẩm cứu trợ gồm mỳ ăn liền và cơm ăn liền. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Đường sá được dọn dẹp thông thoáng nên các đội cứu trợ đã tiếp cận được khu vực này. Với sự hỗ trợ đến từ chính quyền, doanh nghiệp sở tại, Đại sứ quán và các cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, những người Việt Nam sinh sống tại đây đã bước đầu được đáp ứng nhu cầu cơ bản về thực phẩm và nước uống.

“Trao tấm lòng, nhận yêu thương,” đó chính là những điều tốt đẹp mà cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản đang hướng đến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục