Hành trình ý nghĩa thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh

110 đại biểu thanh niên kiều bào đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, có thành tích học tập xuất sắc đã đến tham quan Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên, quê nội và quê ngoại của Bác Hồ.
Đoàn dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Sáng 22/7, trong hành trình “Trại hè Việt Nam 2022,” Đoàn thanh niên sinh viên kiều bào đã đến Nghệ An, tham quan Khu di tích Kim Liên, quê nội và quê ngoại của Bác Hồ với tấm lòng thành kính. Tất cả đã để lại cảm xúc, ấn tượng khó quên đối với mỗi sinh viên kiều bào sống xa quê hương.

Trong chuyến đi này, 110 đại biểu thanh niên kiều bào đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, có thành tích học tập xuất sắc đã đến tham quan Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên, quê nội và quê ngoại của Bác Hồ.

Đây là lần đầu tiên nhiều bạn trẻ về với Nghệ An, được nghe những câu chuyện về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tận mắt chứng kiến nơi sinh ra người Anh hùng giải phóng dân tộc là mái nhà tranh giản dị ở thôn quê nghèo nên rất hào hứng.

Dù thời tiết rất nắng nóng và đã thấm mệt khi phải di chuyển liên tục trên chặng đường dài nhưng khi đặt chân lên mảnh đất này, tận mắt chứng kiến mái nhà tranh đơn sơ, giản dị của vị Anh hùng giải phóng dân tộc, Chu Hoàng Đại (15 tuổi) - thành viên trẻ nhất đoàn, đến từ Thủ đô Viêng Chăn (Lào) cũng như các bạn khác đều bày tỏ niềm cảm phục nhân cách, lối sống giản dị của Người.

“Được trực tiếp nghe và tận mắt nhìn thấy cuộc sống của Bác thời niên thiếu, em càng thấy ý nghĩa hơn nhiều. Từ mảnh đất nghèo khó này, Bác Hồ đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Đó là điều đáng quý, đáng trân trọng mà thế hệ trẻ chúng em hôm nay phải học tập, noi theo. Chuyến đi lần này giúp em hiểu thêm về lịch sử dân tộc, từ đó thêm yêu và tự hào rằng mình là người Việt Nam. Dù có ở xa đến đâu, học tập và làm việc ở nước ngoài nhưng em vẫn luôn tự hào trong huyết quản mình vẫn là dòng máu Việt,” Hoàng Đại cho biết.

[Nghệ An: Hàng vạn người dân về thăm quê Bác trong dịp nghỉ lễ]

Sinh ra và lớn lên ở Ba Lan, 19 tuổi cũng là lần đầu tiên Đỗ Tài Khoa được trở về Việt Nam và đến thăm quê hương của Bác Hồ. Từ trước tới nay, Tài Khoa chỉ biết về Bác Hồ qua sách báo, trên mạng hay qua những bài học trong sách vở. Khi về đây, em rất ngạc nhiên bởi cả ở quê ngoại lẫn quê nội Bác Hồ từ ngôi nhà, phong cảnh, vườn cây, các hiện vật trong nhà đều rất đơn sơ, ấm áp và giản dị.

“Đây là Di tích văn hóa lịch sử cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Là thế hệ trẻ lại sinh sống ở nước ngoài nên khi trở về em sẽ giới thiệu đất nước Việt Nam đến với tất cả bạn bè của mình,” Tài Khoa nói.

Đoàn trại hè Việt Nam nghe thuyết minh kể về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Bảy năm trước, Nguyễn Phương Anh, đại biểu đến từ Cộng hòa Séc cùng với bố mẹ về thăm quê ở Tuyên Quang nhưng đây là lần đầu tiên em được đến Khu di tích Kim Liên, thăm quê Bác nên rất hào hứng và thích thú.

“Tham gia Trại hè này là một trải nghiệm thú vị và rất ý nghĩa đối với bản thân em. Dù đến từ nhiều quốc gia, với nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng chúng em được trao đổi, giao lưu, học hỏi lẫn nhau ở kiến thức và nhiều lĩnh vực của đời sống. Đặc biệt, chúng em đều ý thức trong tim mình là người Việt Nam, hiểu được trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với quê hương, xây dựng đất nước giàu mạnh hơn,” Phương Anh tự hào nói.

Khu di tích Kim Liên là một trong 4 di tích quan trọng bậc nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa, lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình.

Năm 2012, Khu di tích Kim Liên được đón nhận bằng xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt. Đây là sự tôn vinh của Ðảng, Nhà nước và nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; là địa chỉ thiêng liêng trong lòng mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Hàng năm, nơi đây đón tiếp hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan và bày tỏ lòng kính yêu đối với Người. Khu di tích còn có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau về tấm gương sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là sự khẳng định của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi đi theo con đường Bác Hồ đã lựa chọn...

“Về nguồn” cũng là một trong những ý nghĩa, mục đích của Trại hè Việt Nam năm nay. Theo các bạn trẻ, trở về quê hương nguồn cội, bảo tồn và phát huy di sản của quê hương, chúng ta phải quảng bá Tiếng Việt đến thế hệ thứ hai, thông qua đó giáo dục đến thế hệ thứ ba, thứ tư ở nước ngoài về các di sản văn hóa của dân tộc.

Các bạn trẻ cũng khẳng định sau chuyến đi này khi trở về đất nước mình sinh sống, các em sẽ giới thiệu với các bạn của mình về Bác Hồ, về Khu di tích Kim Liên và sẽ cùng với các bạn trở lại mảnh đất này trong thời gian sớm nhất.

Ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho biết, đối với tất cả kiều bào trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về nhân cách và trí tuệ.

Với các bạn thanh, thiếu niên, Bác thường được biết đến là vị Anh hùng giải phóng dân tộc thông qua những trang sách. Qua chuyến đi này, các bạn trẻ được tận mắt chứng kiến nơi Bác Hồ sinh ra, lớn lên; Người đã hy sinh cả cuộc đời mình vì độc lập cho dân tộc. Người cũng là một Danh nhân văn hóa được thế giới biết đến. Mỗi người Việt Nam đều cần biết về Bác Hồ và lịch sử nguồn cội của đất nước mình.

Hành trình “Trại hè Việt Nam 2022” bắt đầu từ quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ bổ sung thêm hiểu biết về văn hóa và lịch sử mà còn là dịp để thanh niên, sinh viên kiều bào trau dồi vốn tiếng Việt, tiếp cận và hiểu biết sâu sắc hơn về cội nguồn văn hóa dân tộc Việt Nam.

Qua đó, các em tri ân công đức tổ tiên, góp phần vun đắp cho tình yêu quê hương đất nước và niềm tự hào về lịch sử dân tộc Việt Nam, là động lực để tiếp tục học tập và noi theo, trở thành công dân có ích trong tương lai.

Cũng trong sáng 22/7, các bạn trẻ đã tham gia hoạt động trồng cây tại Khu di tích Kim Liên nhằm bảo vệ môi trường trước sự biến đổi khí hậu ngày càng nóng lên trên toàn cầu.

Trại hè Việt Nam là một trong những hoạt động được Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài duy trì tổ chức hàng năm nhằm tạo ra sân chơi để thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài kết nối, giao lưu với thanh niên, sinh viên trong nước.

Đây cũng là dịp để các sinh viên Việt Nam ở nước ngoài trở về cội nguồn để tri ân, trải nghiệm; tạo cơ hội để thế hệ trẻ người Việt Nam ở trong và ngoài nước thúc đẩy hợp tác nhằm phát huy vai trò nòng cốt, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kể từ năm 2004, Trại hè Việt Nam đã thu hút sự tham gia của rất đông thanh niên, sinh viên người Việt Nam từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các đại biểu tham gia chương trình là những gương mặt xuất sắc trong các lĩnh vực học tập, thể thao, nghệ thuật... và có đóng góp tích cực cho phong trào xây dựng cộng đồng.

Sau hai năm 2020-2021 bị gián đoạn do dịch COVID-19, việc tiếp tục tổ chức chương trình Trại hè Việt Nam 2022 thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với nguyện vọng của thế hệ kiều bào trẻ cũng như chủ trương nhất quán về đại đoàn kết dân tộc theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và mới đây nhất Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác Người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới./.

Đoàn trại Hè Việt Nam tham quan quê nội Bác Hồ. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)
Đoàn tham quan quê nội Bác Hồ. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)
Đoàn trại hè Việt Nam nghe thuyết minh kể về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)
Đoàn trại Hè Việt Nam dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích Kim Liên. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)
Đoàn dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)
Đoàn trại Hè Việt Nam trồng cây lưu niệm tại Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục