Hấp dẫn loạt chương trình đón Giao thừa Tết Giáp Thìn trên sóng VTV

Một trong những điểm nhấn trên VTV Tết này là loạt chương trình phát sóng đêm Giao thừa: “Gặp nhau cuối năm,” “Tự hào thể thao Việt Nam,” “Vạn Xuân,” “Tết nghĩa là hy vọng”…

“Gặp nhau cuối năm” là một điểm nhấn trong loạt chương trình truyền hình tối 30 Tết Giáp Thìn. (Ảnh: VTV)
“Gặp nhau cuối năm” là một điểm nhấn trong loạt chương trình truyền hình tối 30 Tết Giáp Thìn. (Ảnh: VTV)

Chào xuân Giáp Thìn 2024, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, đề tài đa dạng cùng cách thể hiện sáng tạo, mới mẻ, không gian ghi hình mở rộng khắp các vùng miền đất nước và ở nước ngoài; qua đó mang tới một “thực đơn” Tết phong phú, hấp dẫn trên các kênh sóng. Một trong những điểm nhấn trên VTV Tết này là loạt chương trình phát sóng đêm Giao thừa: Gặp nhau cuối năm, Tự hào thể thao Việt Nam, Vạn Xuân, Tết nghĩa là hy vọng

Gặp nhau cuối năm” (20h tối 30 Tết)

Đây là một chương trình mới mẻ từ cách tiếp cận vấn đề. Khác với môtíp quen thuộc hàng năm, trong chương trình, Ngọc Hoàng sẽ cùng Nam Tào thực hiện chuyến vi hành xuống hạ giới, trực tiếp trò chuyện với người dân trước khi nghe các Táo báo cáo tại phiên chầu.

Bước sang năm thứ 21, Gặp nhau cuối năm đánh dấu sự thay đổi lớn về diễn viên. Dàn nghệ sỹ quen thuộc đóng Nam Tào, Bắc Đẩu và các Táo được thay thế: diễn viên Tú Oanh vào vai Táo Văn Thể, Nghệ sỹ Ưu tú Bá Anh đảm nhận Táo Giao thông, Nghệ sỹ Ưu tú Quốc Quân thể hiện Táo Kinh tế, diễn viên 9x Nguyễn Duy Nam đón nhận vai Nam Tào…

Kịch bản với những điểm nhấn đặc trưng như tiếng cười châm biếm sâu sắc, những ca khúc quen thuộc được chế lời… hứa hẹn sẽ mang tới màu sắc tươi mới cho Gặp nhau cuối năm Xuân Giáp Thìn.

Tự hào Thể thao Việt Nam” (22h05 ngày 30 Tết)

Chương trình có sự góp mặt của cầu thủ Huỳnh Như, Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam; thủ môn Nguyễn Filip, Đội tuyển Bóng đá nam Việt Nam; xạ thủ Phạm Quang Huy, Đội tuyển Bắn súng Việt Nam (Huy chương Vàng ASIAD 19); vận động viên Nguyễn Thị Oanh, Đội tuyển Điền kinh Việt Nam cùng nhiều gương mặt nổi bật của thể thao Việt Nam.

z5143291431092_b6345a3a2c2c8809f5c013fc2a7ce502.jpg
Cầu thủ Nguyễn Filip tham gia ghi hình cùng êkip Ban Thể thao, chương trình "Tự hào Thể thao Việt Nam." (Ảnh: VTV)

Không giống như không khí căng thẳng đầy áp lực của các trận thi đấu trong nước và quốc tế, chương trình khai thác những hình ảnh của các vận động viên dưới góc máy nghệ thuật đặt trong những bối cảnh tươi đẹp của Việt Nam nhân dịp Xuân về. Đó là hình ảnh vận động viên Nguyễn Thị Oanh chìm đắm trong những tiếng nhạc du dương, hồi tưởng lại những thời khắc huy hoàng; là hình ảnh Nguyễn Filip mặc áo dài trải nghiệm không khí SEA Games 32, nơi các vận động viên đã giành chiến thắng vinh quang cho Thể thao Việt Nam…

Vạn Xuân (22h15 tối 30 Tết)

Từ ngàn đời nay, người Việt Nam mang trong mình niềm tự hào khi là con Rồng cháu Tiên. Hình tượng Rồng xuất hiện từ thuở sơ khai mở mang bờ cõi, với huyền sử Lạc Long Quân-Âu Cơ chứa đựng ý nghĩa nguồn cội, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc. Đó là lý do chương trình Vạn Xuân giới thiệu tới khán giả những năm Thìn đáng nhớ của đất nước như: Mậu Thìn (548), Mậu Thìn (968), Canh Thìn (980) cho tới những sự kiện gần đây: Nhâm Thìn (1952), Bính Thìn (1976), Canh Thìn (2000)…

1.jpg
Chương trình ghi hình tại Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: VTV)

Những bối cảnh được lựa chọn ghi hình là các địa điểm gắn với hình tượng Rồng và các sự kiện lịch sử. Nhóm sản xuất đã đến Hoàng Thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Toà nhà Quốc hội…

Tết nghĩa là hy vọng (22h30 tối 30 Tết)

Thực hiện chương trình phát sóng ở thời khắc Giao thừa thiêng liêng, sự kết nối giữa quá khứ và tương lai cùng niềm tin, niềm hy vọng, êkip lựa chọn chủ đề sáng tạo, tôn vinh những dấu ấn sáng tạo của các cá nhân, cộng đồng.

Các cuộc trò chuyện được đặt trong những bối cảnh ý nghĩa: Gặp gỡ anh hùng lao động Hồ Quang Cua tại không gian ngày Tết ở một gia đình miền Tây; câu chuyện khai thác tấn dầu thương mại đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ, thuộc bồn trũng Cửu Long năm Mậu Thìn 1988 được thực hiện trong bối cảnh Tết tại giàn khoan MSP-1, nơi khai thác tấn dầu đầu tiên trên mỏ Bạch Hổ; hai cha con nhà thơ Vũ Quần Phương–giáo sư Vũ Hà Văn trò chuyện tại Hoàng Thành Thăng Long…

anh nghe si_vuong_Tam ca Áo trắng.png
Khán giả sẽ gặp lại Tam ca Áo Trắng trong chương trình.

Âm nhạc cũng là một điểm nhấn được chờ đợi trong Tết nghĩa là hy vọng 2024 cùng sự góp mặt của các ca sỹ Thu Phương, Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương, Phương Thanh, Đoan Trang, Trọng Tấn, Phương Linh, Vũ Thắng Lợi, Khánh Linh, Lân Nhã, Đông Hùng, Hồng Duyên, Ngũ Cung, OPlus, Tam ca Áo trắng, Dzung…

Một điểm nhấn trong chương trình là Cầu truyền hình đón năm mới diễn ra từ 23h50 tối 30 Tết đến 0h15 ngày Mùng Một Tết. Khoảnh khắc linh thiêng đón Giao thừa với hình ảnh pháo hoa từ 5 thành phố trực thuộc Trung ương cùng nhiều nội dung hấp dẫn truyền tải thông điệp của niềm tin, hy vọng về sự bứt phá của đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu tham dự lễ khánh thành Làng văn hóa Việt–Nhật. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Khánh thành Làng văn hóa Việt-Nhật tại Long An

Làng văn hóa Việt-Nhật có diện tích gần 7.000m2, nằm trong khu đô thị tích hợp Waterpoint, Long An, là công trình mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.