Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/4 đe dọa trừng phạt châu Âu do chính sách thuế quan tác động tiêu cực đến lợi nhuận của hãng chế tạo môtô Harley-Davidson của Mỹ.
Viết trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Donald Trump cho biết: “Quả là bất công với Mỹ. Chúng tôi sẽ trả đũa.”
Lời đe dọa mới nhất của Tổng thống Trump được đưa ra giữa khi Washington và Brussels sắp bước vào các cuộc đàm phán thương mại chính thức trong khi các quan chức Mỹ đã tiến gần hơn đến việc dàn xếp cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tháng qua với Trung Quốc.
Harley-Davidson cho biết trong quý I năm 2019 hãng bị thiệt hại 21 triệu USD do chính sách thuế quan mới của Liên minh châu Âu (EU), khiến lợi nhuận giảm 26,8% xuống 127,9 triệu USD và doanh thu cũng đi xuống.
Tháng 6/2018, Harley-Davidson thông báo hãng sẽ chuyển một phần hoạt động chế tạo ra nước ngoài như “lựa chọn bền vững duy nhất” theo sau các mức thuế nhập khẩu 31% mang tính trừng phạt mà EU áp đặt, so với mức trước đó là 6%.
[Hãng Harley-Davidson tìm đối tác sản xuất xe máy tại châu Á]
Harley-Davidson tháng 1/2018 tuyên bố sẽ đóng cửa một nhà máy tại Missouri, giảm việc làm tại nhà máy ở Pennsylvania, đồng thời xây dựng một nhà máy mới tại Thái Lan.
Trong một diễn biến mới nhất của mối quan hệ thương mại Mỹ-EU, ngày 17/4, Ủy ban châu Âu (EC) công bố một danh sách hàng hóa nhập khẩu trị giá 20 tỷ USD từ Mỹ, như túi xách, vali, máy kéo và cá có thể bị áp thuế, để đáp trả việc Mỹ trợ cấp cho Boeing các nhà chế tạo máy bay.
EU công bố danh sách trên sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump trước đó đề xuất một danh sách các hàng hóa của EU sẽ chịu thuế, bao gồm từ máy bay thương mại đến các sản phẩm bơ sữa và rượu với lý do EU trợ cấp cho Airbus đến 11 tỷ USD (theo ước tính của Mỹ).
EU tuyên bố sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại với Mỹ và đặt mục tiêu hoàn tất một thỏa thuận trước cuối năm nay.
Ủy ban châu Âu (EC) đã thống nhất hai lộ trình trong cuộc đối thoại sắp tới với Mỹ: một mặt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa công nghiệp, mặt khác nới lỏng các quy định cho phép các công ty tại hai bên đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ hoặc EU.
Tuy nhiên, EU đã loại trừ lĩnh vực nông nghiệp ra khỏi các cuộc đàm phán, dẫn tới bất đồng giữa khối liên minh gồm 28 thành viên này và Mỹ.
Trong khi đó, Washington từ lâu luôn khăng khăng yêu cầu các cuộc đàm phán phải bao gồm các mặt hàng nông sản./.