Theo lộ trình đến cuối năm 2015, tỉnh Phú Thọ sẽ hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên UNESCO đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Phóng viên có cuộc trao đổi với phó giáo sư, nhạc sỹ, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, cố vấn chính trong việc lập hồ sơ đệ trình UNESCO đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp để làm sáng tỏ hơn nội dung này.
- Theo ông, những giải pháp bảo tồn di sản văn hóa hát Xoan mà tỉnh Phú Thọ đang triển khai có đúng hướng hay không?
Phó giáo sư, nhạc sỹ Đặng Hoành Loan: Sau khi hát Xoan được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhận loại cần bảo vệ khẩn cấp, tỉnh đã triển khai nhiều đề án, dự án rất thiết thực và thực hiện rất tốt. Số nghệ nhân biết hát Xoan đã tăng lên vài trăm lần so với trước đây. Đây là sự chuyển biến hết sức quan trọng việc bảo tồn di sản văn hóa hát Xoan.
Sau nhiều lần đi thẩm định về việc bảo tồn hát Xoan tại Phú Thọ, tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của tỉnh đưa hát Xoan được lan truyền trong cộng đồng, trong các trường học và hát Xoan đã phát triển ở cả những vùng chưa có xoan. Người dân đã biết hát Xoan và yêu xoan hơn.
Xoan đã trở thành loại hình nghệ thuật đang được công chúng đón nhận. Đây là cơ sở để tỉnh chứng minh rằng Xoan có thể thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, trở thành di sản văn hóa đại diện của nhân loại. Lãnh đạo tỉnh Phú thọ đã tạo ra được đề án có tính chất dài hơi để bảo tồn lâu dài di sản văn hóa hát xoan. Đề án này có tính khả thi cao.
Đặc biệt là tỉnh khôi phục được miếu Lãi Lèm - nhà hát đầu tiên của hát xoan. Vì đây là nơi Vui Hùng ngồi dậy hát xoan cho người dân của các làng xoan. Người dân coi nơi này như là một ký ức về văn hóa.
Tại đây, người dân đã dựng lại một ngôi miếu, vào mùa Xuân người dân rước vua về nghe hát Xoan. Việc xây dựng được miếu Lãi Lèm là đã khôi phục được nhà hát cổ nhất, duy nhất của Việt Nam. Đây là chứng nhân lịch sử của một thời Vua Hùng sáng tạo một loại hình nghệ thuật cổ nhất Niệt Nam.
- Để tiếp tục con đường hồi sinh của hát Xoan, tỉnh Phú Thọ cần phải gì tiếp theo, thưa ông?
Phó giáo sư, nhạc sỹ Đặng Hoành Loan: Để Xoan có thể sống được trong cuộc sống hiện nay, tỉnh Phú Thọ cần làm cho người dân biết và hiểu hát Xoan. Người dân biết Xoan, hiểu Xoan rồi sẽ yêu xoan. Muốn như vậy, tỉnh cần phải tạo ra khán giả yêu Xoan, muốn tạo được khán giả Xoan phải dạy cho người dân biết hát Xoan.
Bên cạnh đó, tỉnh cần làm cho người dân hiểu được giá trị của hát Xoan, cộng đồng hiểu rõ về Xoan. Đặc biệt là phải làm sao cho các em nhỏ hiểu nguồn gốc hát Xoan, tại sao phải thờ Vua Hùng và Vua Hùng có tác động gì đền hát Xoan.
Cho người dân biết được Vua Hùng là người sinh ra nghệ thuật hát Xoan và là người truyền dạy nghệ thuật Xoan ra công đồng nên đây là một di sản văn hóa vô giá do Tổ tiên sáng tạo ra.
Về nghệ thuật học, phải làm sao bảo tồn được lối trình diễn của các nghệ nhân thế hệ trước. Trong thời gian qua, hát Xoan đã bị phai nhạt. Hiện nay tỉnh đã có rất nhiều tài liệu để hát Xoan trở lại giá trị vốn có của nó. Vì xoan cổ là loại hình nghệ thuật độc đáo nhất Việt Nam. Vì vậy cần trả lại giá trị hát xoan.
Bên cạnh đó, để xoan trở thành nghệ thuật trong cuộc sống hiện nay, tỉnh cần tổ chức những nơi trình diễn hát xoan, đồng thời phải tạo cho hát Xoan một dung nhan mới, đẹp đẽ ngoài sân khấu, đẹp đẽ về giọng hát, tạo cho Xoan thêm những nốt nhạc, tiếng đàn, bộ gõ để Xoan có sức cuốn hút hơn. Hiện nay ta đã để xoan quá xa với thẩm âm của người nghe…
- Là người cố vấn chính của việc lập hồ sơ trình UNESCO đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, Ông có thể cho biết đến nay công việc đã được chuẩn bị như thế nào?
Phó giáo sư, nhạc sỹ Đặng Hoành Loan: Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản Việt Nam) và Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đang khẩn trương thực hiện và hoàn thành bản báo cáo bằng tiếng Việt và tiếng Anh về tiến độ xây dựng hồ sơ báo cáo tình trạng bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan Phú Thọ.
Tiếp tục nghiên cứu tổng hợp thông tin dữ liệu và tham khảo ý kiến của các chuyên gia về hát Xoan để hoàn thiện hồ sơ và báo cáo Trung ương trình UNESCO vào cuối năm nay.
- Sau những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, liệu hát Xoan Phú Thọ có thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, xứng đáng trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại?
Phó giáo sư, nhạc sỹ Đặng Hoành Loan: Từ một loại hình nghệ thuật có nguy cơ bị mai một, giờ hát Xoan đã thực sự hồi sinh, lan tỏa và có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng.
Tính đến thời điểm này, hầu hết các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp hát Xoan Phú Thọ.”
Đặc biệt, tỉnh đã tuyên truyền giới thiệu, cập nhật thường xuyên các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan trên Cổng Giao tiếp điện tử tỉnh Phú Thọ bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt; đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh thông tin đối ngoại như VTC4, VTC10, các kênh thông tin của Thông tấn xã Việt Nam... để quảng bá di sản hát Xoan rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước...
Đây là các kênh thông tin quan trọng đưa hát Xoan ra với thế giới và giúp thế giới hiểu về giá trị to lớn của hát Xoan và những nỗ lực của tỉnh trong việc bảo tồn và phát huy giá trị hát Xoan.
Với những giải pháp và cách đi đúng hướng của tỉnh Phú Thọ, cùng với sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, hát Xoan Phú Thọ sẽ hoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016, xứng đáng là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư, nhạc sỹ!