Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 18/6/2020, kinh tế Đông Nam Á năm 2020 sẽ suy giảm mạnh, ở mức âm 3%; du lịch và dịch vụ trong khu vực bị suy giảm nghiêm trọng, xuất nhập khẩu bị tác động mạnh do độ mở cửa các nền kinh tế khu vực cao.
Hậu quả là an sinh xã hội của các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng, hàng chục triệu người có nguy cơ rơi vào nghèo đói.
Đông Nam Á - 'điểm nóng' của cạnh tranh ảnh hưởng
Với tầm quan trọng của vị trí địa chính trị, địa chiến lược và địa kinh tế khu vực, Đông Nam Á một lần nữa lại trở thành điểm nóng của cạnh tranh ảnh hưởng.
Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vốn đã gay gắt trước đại dịch nay lại càng gay gắt hơn một phần do tác động của đại dịch và xung đột giữa các quốc gia vì đại dịch.
Được cho là có vai trò trung tâm và có tầm quan trọng trong các cấu trúc hợp tác khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đông Nam Á tiếp tục là khu vực chịu sự cạnh tranh ảnh hưởng, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, gây tác động không nhỏ đến an ninh, chính trị khu vực và các nước thành viên, là nguy cơ của bất ổn khu vực và có ảnh hưởng lớn đến triển vọng phát triển của ASEAN và các quốc gia thành viên. Đáng chú ý là sự suy giảm tăng trưởng, gián đoạn họat động du lịch, đứt gãy các chuỗi cung ứng…
Lệnh phong tỏa được áp dụng ở nhiều nước trong thời gian qua khiến hàng loạt lĩnh vực của nền kinh tế khu vực bị ảnh hưởng như: xuất khẩu, dầu khí, du lịch, giải trí, thực phẩm...
Malaysia là nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất trong ASEAN, bởi nước này có các chỉ số cao về nợ tiêu dùng, nợ nước ngoài và nợ công. Hiện tại, nợ công của Malaysia đã gần kịch trần, thêm vào đó, việc giá dầu sụt giảm sẽ tác động mạnh đến nguồn thu tài khóa của nước này, bởi có tới 25 % nguồn thu tài khóa bắt nguồn từ dầu khí và các ngành nghề kinh doanh liên quan.
Tiếp theo là Thái Lan, Indonesia, Philippines cũng có thể phải ghi nhận thâm hụt kép đối với tài khóa và tài sản vãng lai.
Nến kinh tế của Việt Nam ít bị tác động hơn so với các nước khác trong khu vực.
[ASEAN kiên định với cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế]
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng chung của 5 nền kinh tế lớn của ASEAN (Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam) ở mức âm 0,6% vào năm 2020, giảm mạnh so với dự báo trước đó là + 4,8%.
Theo báo cáo của Ngân hành Phát triển châu Á (ADB) vào tháng 4 vừa qua, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á sẽ giảm từ 4,4 % năm 2019 xuống còn 1% trong năm 2020, trước khi phục hồi lên mức 4,7% vào năm 2021, đặc biệt là do các mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ giữa khu vực này với Trung Quốc.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP của Indonesia được cho là giảm từ 5% năm 2019 xuống còn 2,5% trong năm 2020; kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng âm (-) 4,8%, còn tăng trưởng của kinh tế Việt Nam giảm từ 7% năm 2019 xuống còn 4,8% trong năm 2020.
Khủng hoảng đối với sự phát triển
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) cho đến nay, các nước ASEAN đã có những biện pháp của riêng từng nước để kiểm soát đại dịch COVID-19 cũng như ứng phó với các tác động kinh tế của dịch bệnh.
Tuy nhiên, đại dịch đã gây ra một cuộc khủng hoảng đối với sự phát triển khi các chuỗi cung ứng và thương mại kinh tế đã bị phá vỡ, đòi hỏi ASEAN đưa ra phản ứng thống nhất trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Yasuyuki Sawada của ADB, sự lây lan nhanh của đại dịch COVID-19 khiến triển vọng kinh tế khu vực và toàn cầu trở nên không chắc chắn với tốc độ tăng trưởng và phục hồi sẽ diễn ra chậm hơn so với dự kiến trước đó.
Thái Lan là một trong những nước bị tác động nặng nề nhất ở khu vực Đông Nam Á do đại dịch COVID-19 vì nguồn thu từ du lịch và đi lại vốn chiếm 20% GDP của nước này.
Trong khi đó, Việt Nam sẽ ít bị tác động nhất so với các nước khác trong ASEAN, mặc dù cũng không miễn nhiễm với sự suy giảm mạnh các dòng chảy thương mại.
Theo báo cáo của Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đối với các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ giảm bớt trong nửa cuối năm 2020, khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc cũng như thương mại toàn cầu phục hồi.
Ngoài ra, các gói kích thích tài chính và nới lỏng tiền tệ của các nước trên toàn khu vực cũng sẽ giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chỉ đến giữa năm 2021, GDP toàn cầu mới có thể trở lại mức trước khủng hoảng.
Kinh tế ASEAN có thể đạt tăng trưởng gần 8% trong năm 2021, sau khi rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm 2020.
Trong khi đó, các nhà phân tích thuộc tổ chức BofA Global Research ước tính khoảng 7% số lao động (khoảng 20,7 triệu người) tại các nước ASEAN-6 (Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines, Malaysia và Việt Nam) có thể mất việc làm do tác động của đại dịch COVID-19. Viễn cảnh này cũng là mối đe dọa đối với phục hồi kinh tế khi đại dịch COVID-19 qua đi.
Dựa trên tỷ trọng số lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và các ngành nghề không chính thức tại các nước nói trên, BofA Global Research cho rằng Indonesia sẽ là nước buộc phải cắt giảm việc làm nhiều nhất với 9,4 triệu việc làm.
Số lao động mất việc làm tại các nước khác như Thái Lan, Philippines và Việt Nam cũng có thể lên tới hàng triệu người. Những lao động trong một số lĩnh vực cụ thể như dịch vụ lưu trú và thực phẩm, bán buôn, bán lẻ, bất động sản và dịch vụ kinh doanh... sẽ có nguy cơ mất việc cao hơn những người khác.
Dự báo 218 triệu lao động ở Đông Nam Á có thể bị mất việc làm khi các hoạt động kinh tế phải đột ngột đình trệ do chính phủ các nước trong khu vực tăng cường các nỗ lực chống đại dịch COVID-19./.