Hậu mưa “vàng” giải nhiệt: Các địa phương đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất

Trong ngày 3/5, nhiều địa phương miền Trung và Nam Bộ đã xuất hiện những cơn mưa “vàng” giúp giải nhiệt sau nhiều ngày nắng nóng, khô hạn kéo dài.

Mưa trắng xóa khu vực huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)
Mưa trắng xóa khu vực huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong ngày 3/5, nhiều địa phương miền Trung và Nam Bộ đã xuất hiện những cơn mưa “vàng” giúp giải nhiệt sau nhiều ngày nắng nóng, khô hạn kéo dài.

Mưa “vàng” giải nhiệt

Chiều 3/5, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xuất hiện mưa nhỏ, mưa vừa ở một số xã, thị trấn của các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’Gar, Krông Búk, Krông Bông, Krông Ana, Krông Năng và thành phố Buôn Ma Thuột.

Tại một số quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh như Hóc Môn, Củ Chi và Quận 12 xuất hiện mưa to kéo dài từ 10-30 phút. Cơn mưa “vàng” giúp giải nhiệt cho Thành phố được nhiều người dân mong đợi sau những ngày nắng nóng ngột ngạt.

Tại khu vực huyện Hóc Môn, cơn mưa bất ngờ đổ xuống vào khoảng 15 giờ ngày 3/5. Lượng mưa khá lớn khiến nhiều người đang lưu thông trên đường phải nhanh chóng tìm nơi trú.

Mưa xuất hiện tại các tuyến đường Đặng Thúc Vịnh, Nguyễn Văn Bứa, Quốc lộ 22, Tô Ký…. Nước mưa chảy thành dòng, nhiều người đi đường không mang theo áo mưa khiến quần áo ướt sũng.

Mưa kéo dài tầm 15 phút rồi tạnh hẳn. Tuy thời gian mưa không dài nhưng đã mang đến sự mát mẻ dễ chịu cho nhiều khu vực.

Chị Nguyễn Kim Thơ (ngụ huyện Hóc Môn) cho biết, đang chạy xe trên đường thì mưa bất ngờ đổ xuống khiến chị phải tấp vội vào một mái hiên trên đường tránh mưa.

Do Thành phố Hồ Chí Minh liên tục chịu nắng nóng gay gắt trong nhiều tuần qua, chị Thơ không chuẩn bị sẵn áo mưa trên xe nên phải đứng trú cho đến khi mưa tạnh hẳn mới di chuyển tiếp.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, khoảng 13 giờ 30 phút ngày 3/5, nhiều khu vực có mưa rải rác sau nhiều tháng thời tiết nắng nóng, khô hạn và không có mưa. Tại một số khu vực thuộc huyện Trảng Bom và thành phố Biên Hòa có mưa rải rác, có nơi lượng mưa khá lớn trong khoảng 10 phút, giúp thời tiết giảm nhiệt độ, nắng nóng bớt gay gắt.

Từ đầu giờ chiều 3/5, mây đối lưu tồn tại và phát triển mạnh tại nhiều địa phương Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long, Bình Sơn, Sơn Tịnh, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi. Mưa tại các huyện vùng núi với lượng phổ biến từ 5-30 mm, riêng Sơn Giang 43,4 mm, Trà Nham 48,4 mm, Trà Hiệp 62,4 mm, Trà Thanh 77 mm.

Anh Đoàn Vương Quốc (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) cho biết, trong hai ngày qua, tại huyện Sơn Hà đều có mưa. Đợt mưa ngày 3/5 xuất hiện lúc 14 giờ 20 phút, sau hơn một giờ đồng hồ vẫn chưa dứt. Tuy lượng mưa nhỏ nhưng kéo dài đã làm dịu đi cơn nóng như thiêu như đốt kéo dài trong thời gian qua.

Trưa 3/5, tại Sóc Trăng, cơn mưa lớn đầu mùa xuất hiện tại các huyện, thị xã, thành phố khiến người dân phấn khởi, giúp hạ nhiệt và cung cấp nước phục vụ sản xuất lúa cho nông dân địa phương.

Tại thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), cơn mưa đã cung cấp nước phục vụ sản xuất cho trên 16.500 ha lúa Hè Thu 2024.

Ông Lý Thy (xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) cho biết, mấy ngày qua, do ảnh hưởng của mặn xâm nhập nên địa phương không bơm nước vào ruộng được. Điều này khiến người dân rất lo lắng. Cơn mưa hơn 30 phút như “cứu lúa” nên người dân đều phấn khởi.

ttxvn_soc trang mua.jpg
Cơn mưa kéo dài hơn 30 phút giúp cung cấp nước phục vụ sản xuất trên 16.500 diện tích lúa Hè Thu 2024 ở thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh Tuấn Phi/TTXVN)

Theo Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Sóc Trăng Đỗ Huy Lập, ngày 3/5, toàn tỉnh có 5/11 huyện, thị xã, thành phố có mưa; trong đó, lượng mưa ở thị xã Ngã Năm, hai huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị lớn nhất.

Mùa mưa năm 2024 có khả năng bắt đầu vào khoảng giữa tháng 5 (từ ngày 10 - 20/5). Các huyện khu vực phía Tây và ven sông Hậu sẽ bắt đầu mưa sớm hơn so với các khu vực khác.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, chiều 3/5, nhiều khu vực tiếp tục có mưa rào rải rác một vài nơi, thời tiết mát mẻ và bớt ngột ngạt sau đợt nắng nóng gay gắt trên 40 độ C.

Trước đó, tối 2/5, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện cơn mưa lớn kéo dài từ 1-2 giờ đồng hồ. Đây được xem là cơn mưa “vàng” giải nhiệt và cứu sống nhiều diện tích hoa màu, cây ăn quả thoát khỏi bị khô hạn, chết cháy.

Trận mưa lớn cũng bổ sung nguồn nước đáng kể cho các hồ đập trên địa bàn đang dần bị khô cạn. Tuy nhiên, mưa lớn kèm gió mạnh đã khiến nhiều diện tích lúa chín vàng đang chuẩn bị thu hoạch bị ngã đổ.

Tuy chưa có số liệu thiệt hại cụ thể, song theo ghi nhận của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quảng Ninh, sáng 3/5, nhiều diện tích lúa đang đến kỳ thu hoạch tại các xã Gia Ninh, Tân Ninh, An Ninh… bị đổ rạp, gây khó khăn cho việc thu hoạch. Giá gặt lúa bằng máy tại diện tích lúa bị ngã đổ cũng cao hơn rất nhiều so với giá bình thường khoảng 100.000 đồng/sào.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quảng Ninh đã trực tiếp đi kiểm tra tại một số cánh đồng lúa trên địa bàn sau cơn mưa lớn; đồng thời, chỉ đạo các địa phương thống kê diện tích lúa ngã đổ; khuyến cáo người dân khẩn trương thu hoạch diện tích lúa bị đổ trước nếu lúa đã chín, để tránh thiệt hại.

Chiều tối 3/5, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xuất hiện trận mưa đầu mùa trên diện rộng giúp các địa phương trong tỉnh sau thời gian dài nắng nóng, khô hạn kéo dài được giải nhiệt. Trận mưa cũng giúp giải tỏa áp lực chống cháy rừng ở các địa phương.

Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum cho biết, đây là trận mưa lớn đầu mùa mưa trên địa bàn.

Các huyện đều có mưa; cụ thể, tại các huyện như Đăk Hà, Sa Thầy, Đăk Tô, Kon Plông, Đăk Glei lượng mưa đạt từ 50-70mm. Các huyện, thành phố còn lại lượng mưa đạt từ 20-40mm. Lượng mưa trên lớn hơn 1 lần tưới (từ 25-35mm), giúp cây trồng giải nhiệt từ 5-7 ngày.

Trận mưa đầu mùa trên diện rộng này đã giảm áp lực chống cháy rừng ở các địa phương Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Đăk Glei, thành phố Kon Tum. Đây là những địa phương đang có cảnh báo cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm, có khả năng cháy lớn, lan nhanh.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

Chiều 3/5, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã kịp thời đưa ra cảnh báo đối với Quảng Nam, các tỉnh từ Kon Tum đến Gia Lai.

Cụ thể, từ 10 giờ đến 16 giờ ngày 3/5, tại khu vực tỉnh Quảng Nam đã có mưa vừa, mưa to như: Tiên Phước 82,4mm, Xuân Bình 60,2mm...

ttxvn_quang binh lua mua.jpg
Nhiều diện tích lúa tại các địa phương trên địa bàn huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) bị ngã đổ sau trận mưa lớn kèm gió mạnh vào tối 2/5. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Từ 17 giờ ngày 3/5 đến 1 giờ ngày 4/5, khu vực Quảng Nam tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 60mm; nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại huyện: Tiên Phước, Núi Thành, Nam Trà My, Nam Giang, Phú Ninh.

Độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy ở cấp 1.

Tại các tỉnh từ Kon Tum đến Gia Lai từ 11 giờ đến 17 giờ ngày 3/5, khu vực các tỉnh Kon Tum và Gia Lai đã có mưa vừa, mưa to như Ngok Wang 73,6mm, Đak Pxi 73mm (Kon Tum), Biển Hồ (Gia Lai) 48,2mm…

Cảnh báo, từ 18 giờ ngày 3/5 đến 2 giờ ngày 4/5, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 30-60mm, có nơi trên 80mm; nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại huyện Đăk Hà, Sa Thầy, KonPlong, Tu Mơ Rông, Đăk Glei (Kon Tum); Kbang, Đăk Đoa, Mang Yang, Chư Păh, Ia Grai, Tp. Pleiku, Chư Sê, Kông Chro (Gia Lai). Độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy ở cấp 1.

Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế-xã hội.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn một số tỉnh đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho người dân chủ động phòng tránh, đề phòng rủi ro do mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh gây ra.

Cùng với đó, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, lưu ý đối với những khu vực tập trung đông người, khu du lịch; cắt tỉa cây xanh trong đô thị để đảm bảo an toàn...; chủ động chuẩn bị vật tư, phương tiện phục vụ phòng, chống thiên tai, củng cố lực lượng xung kích tại cơ sở, sẵn sàng giúp dân khắc phục hậu quả kịp thời, hiệu quả…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục